Thao thức "hồn chiêng"
Trải qua hành trình 10 năm từ khi được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, từ nguy cơ có khả năng biến mất, đến nay Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã dần được khôi phục, bảo tồn. Tuy nhiên làm thế nào để tiếng chiêng mãi được ngân vang, đồng hành, “hòa nhịp” cùng cuộc sống đương đại vẫn luôn là suy tư, trăn trở của những người có tâm đối với việc bảo tồn, phát huy di sản quý báu này...
Mênh mang nhịp chiêng ngân…
“Tinh tinh tang... tinh tinh tang...”, những chuỗi âm thanh hòa quyện, nối tiếp nhau, đan xen trầm bổng của bài cưng ngăn (chiêng thường) đã chấm dứt nhưng dường như già Y Wé Ênuôl (Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Mliêng 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk) vẫn còn đang đắm chìm trong giai điệu ngân vang của nhịp chiêng cồng rộn rã. Với già Y Wé, tiếng chiêng, tiếng cồng đã ngấm vào máu thịt từ ngày còn thơ bé. Trong những ngày lễ hội của buôn làng, những mùa “ăn năm uống tháng”, tiếng chiêng cồng được gióng lên; rồi những ngày lễ của đời người, khi mừng mùa thu hoạch, nhịp cồng chiêng cũng ngân vang rộn rã. Một thuở cồng chiêng gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng buôn làng như vậy mà giờ như đã xa lắm. “Hiện nay trong buôn có khoảng 30 người biết đánh chiêng, nhưng chủ yếu toàn người lớn tuổi. Bây giờ nhiều lễ hội của buôn không còn được tổ chức, buôn mình may mắn là có đội chiêng và có nhiều chiêng để đánh, chứ ở một số buôn, bà con đã bán mất chiêng, không còn chiêng nữa...”, già Y Wé tâm sự.
Nghệ nhân buôn Mliêng 1 trình tấu cồng chiêng. |
Niềm trăn trở của già Y Wé cũng là những suy tư của nhiều nghệ nhân khác trước tình trạng số lượng bộ chiêng đang ngày càng ít dần, những người nghệ nhân chỉnh chiêng giỏi ngày một vắng bóng, các lễ hội mất dần đi, không gian nguyên thủy của cồng chiêng bị thu hẹp... Trong chuyến đi khảo sát vừa qua tại một số địa phương trong tỉnh của Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Khoa học - Giáo dục thuộc UBMTTQ Việt Nam tỉnh về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị không gian văn hóa cồng chiêng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều nhận định: Điều đáng lo ngại nhất đó là nguy cơ mất “không gian”. Trong cuộc sống hiện đại với tác động của nền kinh tế thị trường cùng những biến đổi trong phương thức canh tác, sự thay đổi trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin… đã phần nào làm mất dần đi những bối cảnh sinh hoạt, không gian diễn xướng cồng chiêng (nhà dài, bến nước, nương rẫy, nhà mồ, không gian rừng...) và cũng phần nào dẫn đến sự thờ ơ của một bộ phận dân cư, nhất là trong lớp trẻ đối với văn hóa cồng chiêng.
Hành trình 10 năm di sản
Kể từ khi UNESCO xét công nhận “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại” đến nay đã được 10 năm. Nhìn lại hành trình 10 năm di sản, những việc làm được của công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa cồng chiêng là khá nhiều và đã có những kết quả nhất định. Trong những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tiến hành tổ chức nhiều hoạt động như: Sưu tầm, phục hồi, bảo tồn các bài chiêng, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa; tổ chức, cử đoàn tham gia các ngày hội văn hóa, liên hoan dân ca, dân vũ, cồng chiêng ở cấp địa phương, Trung ương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu diễn, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; mở nhiều lớp học đánh chiêng cho thiếu nhi người dân tộc thiểu số và lớp truyền dạy chỉnh chiêng cho các nghệ nhân sử dụng thành thạo cồng; mua bổ sung các bộ cồng chiêng cho một số buôn làng; tôn tạo và xây dựng không gian sống, sinh hoạt cho các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ... Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã mở được 4 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho gần 130 thanh thiếu nhi người dân tộc thiểu số tại chỗ (chưa kể các lớp truyền dạy do địa phương tổ chức); tổ chức 2 lớp truyền dạy chỉnh chiêng cho 74 nghệ nhân; phục dựng các nghi lễ, lễ hội: cúng sức khỏe cho voi, cúng cầu mùa, cúng sức khỏe, cúng thần lúa, cúng cầu mưa... các lễ hội này đều được ghi âm, quay phim, chụp ảnh lưu giữ làm tư liệu. Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức nhiều cuộc điền dã nghiên cứu, sưu tầm các nghi lễ cúng: kết nghĩa anh em giữa người dân tộc M’nông Gar và Êđê, cúng bến nước, cúng cơn mưa đầu mùa, nghi lễ rước cây nêu cầu an; hỗ trợ kinh phí (10 triệu đồng/buôn) cho 15 buôn có đội chiêng xuất sắc để phát huy di sản văn hóa cồng chiêng... Nhờ những giải pháp hữu hiệu và hành động cụ thể, cồng chiêng đang dần được khôi phục, hiện diện nhiều hơn trong các buôn làng và thậm chí là vang xa đến các sân khấu hiện đại trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên hầu như những kết quả này mới chỉ dừng lại ở công tác khôi phục, bảo tồn, để di sản ấy phát huy được trong đời sống thực vẫn còn nhiều việc phải làm. Mà có lẽ trước hết, cấp bách nhất đó là việc quan tâm đến những “báu vật nhân văn sống” về tinh thần (cấp bằng công nhận là nghệ nhân) và vật chất (phụ cấp kinh phí); tiếp tục đào tạo đội ngũ đánh chiêng, chỉnh chiêng kế cận, định hướng để chính người dân phát huy vai trò chủ thể trong việc bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng; đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, khoanh vùng xây dựng bảo tồn không gian hẹp (buôn, làng) tạo môi trường, không gian văn hóa cồng chiêng. Để từ đó cồng chiêng thực sự được “sống” chứ không phải chỉ là di sản được đưa vào kho cất kỹ, “lồng khung kính treo tường” và chỉ biểu diễn trên sân khấu như Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân - người luôn tâm huyết với vấn đề bảo tồn, phát huy di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có lần đã nhận định: Gìn giữ nghĩa là phải có người tiếp tục đi trên con đường ấy, phải có người tiếp tục sáng tác, biểu diễn; phải bảo vệ di sản từ trong con người và xã hội, làm cho cồng chiêng phát huy được chức năng trong đời sống xã hội ngày nay...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc