Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống: Phát huy vai trò của cộng đồng nhìn từ Lễ hội Buôn Đôn năm 2016

09:00, 28/03/2016
Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016 được tổ chức giữa tháng 3 vừa qua đã diễn ra nhiều nghi lễ như: lễ cúng bến nước, lễ cúng thần linh, lễ cúng lúa mới, lễ cúng sức khỏe cho voi...
 
Có thể dễ dàng nhận thấy, trong các nghi lễ thì người cúng và người tham gia các hoạt động như: diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, chuẩn bị vật cúng cũng như thực hiện tất cả các nghi thức liên quan đều là thành viên của cộng đồng tự đứng ra tiến hành. Mọi việc cứ tuần tự, như được phân công công việc rõ ràng mà lại diễn ra tự nhiên không mang tính “biểu diễn”.
Voi tham gia diễu hành tại Lễ hội Buôn Đôn năm 2016.
Voi tham gia diễu hành tại Lễ hội Buôn Đôn năm 2016.

Để làm được điều này đòi hỏi chủ thể văn hóa – cộng đồng các dân tộc phải tự nhận thức và nhiệt tình tham gia gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa của chính dân tộc mình; bên cạnh đó là sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đối với công tác này... Theo ông Vũ Minh Thoại, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Buôn Đôn, Phó trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: Lễ hội năm nay được chuẩn bị từ rất sớm, công tác xã hội hóa cho việc tổ chức Lễ hội đã được triển khai rất tốt. Đầu tiên phải kể đến là việc huy động nhân dân bởi thời gian tập luyện, nhân lực tham gia vào các hoạt động chủ yếu là người dân tiến hành; còn cán bộ, các nhà quản lý văn hóa, chính quyền chỉ giữ vai trò định hướng. Tiếp đó nguồn xã hội hóa thứ hai là từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học: Các đơn vị đã tự bỏ ra kinh phí để xây dựng nên các tổ, đội, thành lập các đoàn tham gia, đầu tư kinh phí để luyện tập, sắm trang phục, dựng trại và các vấn đề liên quan. Thứ ba là huy động nguồn kinh phí tài trợ của các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn huyện để phục vụ cho các hoạt động, hỗ trợ cho ban tổ chức. Số còn lại mới là nguồn kinh phí ngân sách và số này không lớn lắm – khoảng một vài trăm triệu đồng.

Lễ cúng bến nước tại Lễ hội Văn hóa truyền thống  các  dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016.
Lễ cúng bến nước tại Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016.

Còn theo nhận định của Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung (Trường Đại học Tây Nguyên) – người luôn theo sát các hoạt động văn hóa trong những ngày diễn ra Lễ hội: “Chủ thể văn hóa chính là cộng đồng - người đã sáng tạo ra văn hóa dân gian, chính vì thế họ có vai trò quyết định đến quá trình tồn tại phát triển cũng như lưu hành, truyền bá văn hóa dân gian. Các lễ cúng tại Lễ hội đã cho thấy những biểu hiện ứng xử của con người với con người, của con người đối với con vật quý hiếm, đối với tài nguyên thiên nhiên. Toàn bộ tất cả các quy trình của lễ hội đều do cộng đồng tiến hành và nếu chúng ta hỗ trợ, biết tận dụng giá trị văn hóa của các lễ hội ở Tây Nguyên nói chung, lễ hội ở Buôn Đôn nói riêng, thì chính là một cách thức thu hút sự tham gia của chủ thể văn hóa hay còn gọi là cộng đồng văn hóa và đây là một “kênh” rất quan trọng để duy trì, gìn giữ bản sắc văn hóa tộc người ở Tây Nguyên nói chung, ở Buôn Đôn nói riêng...”.

Lễ cúng sức khỏe cho voi trước khi vào hội tại Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016
Lễ cúng sức khỏe cho voi trước khi vào hội tại Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2016

Thực tế cho thấy, quá trình gìn giữ, bảo tồn, phát huy cũng như tạo một không gian sinh động của các giá trị văn hóa gồm rất nhiều vấn đề trong mối quan hệ đa chiều. Đó là việc giải quyết mối quan hệ truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển, giữa cái cũ và cái mới trong dòng chảy đương đại... Trong đó, vấn đề quan trọng nhất vẫn là ý thức bảo tồn của chính chủ thể văn hóa, cùng sự quan tâm của các cấp, ngành quản lý. Với xu hướng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa song hành với việc phát triển du lịch để tạo thế mạnh thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển, trong khi giữa văn hóa và du lịch, văn hóa và kinh doanh vừa có sự thúc đẩy, vừa có tính loại trừ lẫn nhau. Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để các yếu tố ấy hỗ trợ nhau, để từ đó tạo được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và duy trì sự bền vững, giảm thiểu sự “biến dạng”, “pha loãng” của những giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống đương đại... Đó chính là nhiệm vụ lớn đối với các ngành chức năng và cộng đồng các dân tộc - chủ thể của văn hóa

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.