Multimedia Đọc Báo in

Nhà văn hóa cộng đồng: Làm gì để nâng cao hiệu quả hoạt động?

08:57, 26/03/2016

Trong những năm qua, nhiều nhà văn hóa cộng đồng (NVHCĐ) đã được đầu tư xây dựng ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy vậy trên thực tế nhiều NVHCĐ chưa hoạt động hết công năng bởi còn đó những khó khăn cần tháo gỡ...

Theo số liệu khảo sát của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có 585 nhà văn hóa trên tổng số 609 buôn; trong đó có khoảng 30% số NVHCĐ tổ chức tốt các hoạt động, thực hiện tốt vai trò, chức năng và nhiệm vụ; số còn lại hoạt động trung bình, yếu và không hoạt động. Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do: Việc xây dựng NVHCĐ thiếu đồng bộ và còn nhiều bất cập. Trừ một số nhà xây dựng bằng nguồn kinh phí của Chủ tịch nước và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng có giá trị đầu tư lớn, còn lại kinh phí đầu tư xây dựng chủ yếu bằng nguồn ngân sách của tỉnh (100 triệu đồng/nhà), kinh phí đầu tư thêm do các huyện, thị xã, thành phố đóng góp còn rất hạn chế (khoảng từ 15-20 triệu đồng/nhà). Do vậy, diện tích xây dựng NVHCĐ (80-120 m2) và khuôn viên hẹp không bảo đảm để tổ chức các hoạt động có đông người tham dự; có nhiều NVHCĐ chưa có nhà vệ sinh, giếng nước, hàng rào bảo vệ xung quanh. Hiện nay có một số NVHCĐ đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có kinh phí sửa chữa. Bên cạnh đó, việc quy hoạch kiến trúc đơn điệu, không có cây xanh bóng mát, sân bãi lầy lội khi mùa mưa đến, một số nhà chưa phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào nên chưa thu hút đồng bào đến tham gia sinh hoạt.

Cán bộ quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu khảo sát các thiết chế văn hóa  tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn M’liêng 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk.
Cán bộ quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu khảo sát các thiết chế văn hóa tại Nhà văn hóa cộng đồng buôn M’liêng 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk.

Mặt khác, theo Quy chế tổ chức và hoạt động của NVHCĐ ban hành theo Quyết định số 119/2003/QĐ-UB, ngày 13-11-2003 của UBND tỉnh thì mỗi NVHCĐ tối thiểu phải được trang bị dàn âm thanh, dàn cồng chiêng, 1 tivi, 1 radio cassette, một số loại sách, báo, tạp chí phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Nhưng thực tế hiện nay chỉ một số ít NVHCĐ mua sắm đầy đủ các thiết bị trên từ nguồn tài trợ của các đơn vị kết nghĩa, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa...; từ chương trình Nghị quyết của HĐND tỉnh về bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk (trong 3 năm từ 2007-2010 đã cấp, trang bị 128 bộ cồng chiêng cho 128 NVHCĐ; số còn lại chưa được trang bị, thậm chí có nơi chưa có phông màn, chưa có cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ). Bên cạnh đó, chế độ tài chính chi phí cho các hoạt động nghiệp vụ, mua sắm trang thiết bị và chế độ hỗ trợ cho ban chủ nhiệm cũng được quy định rõ tại Quy chế tổ chức và hoạt động NVHCĐ, nhưng hầu hết các NVHCĐ chưa nhận được sự hỗ trợ này (mới chỉ có 6 NVHCĐ của thị xã Buôn Hồ có chế độ cho ban chủ nhiệm). UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn chưa bố trí nguồn kinh phí hằng năm cấp cho NVHCĐ và chưa thật sự quan tâm quản lý, chỉ đạo để NVHCĐ thực hiện tốt vị trí, chức năng, nhiệm vụ của một thiết chế văn hóa ở cơ sở... Điều này đã làm ảnh hưởng và hạn chế chất lượng, hiệu quả hoạt động của NVHCĐ.

Người dân buôn M’liêng 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tại nhà văn hóa cộng đồng của buôn.
Người dân buôn M’liêng 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tại nhà văn hóa cộng đồng của buôn.

Theo ý kiến của các nhà quản lý, cán bộ làm công tác văn hóa cũng như ban chủ nhiệm NVHCĐ tại Hội thảo nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của NVHCĐ trên địa bàn tỉnh do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch mới tổ chức gần đây, khó khăn lớn nhất trong hoạt động của NVHCĐ là nguồn lực tài chính. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm đi công năng của NVHCĐ cũng như kéo theo một loạt hệ lụy, yếu kém khác. Do vậy cần thiết phải xây dựng và ban hành một nghị quyết chuyên đề về NVHCĐ; trong đó cần bảo đảm các nội dung: quan điểm sử dụng, kinh phí đầu tư xây dựng, kinh phí hoạt động thường xuyên được phân bổ hằng năm và kinh phí phụ cấp cho ban chủ nhiệm, công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho ban chủ nhiệm và các cộng tác viên của NVHCĐ...

Thực tế ở một số địa phương cho thấy, NVHCĐ nào biết khai thác phong trào quần chúng, được lãnh đạo địa phương quan tâm sẽ tạo ra được nhiều hình thức hoạt động, được nhân dân hưởng ứng. Có thể kể đến như: nhiều buôn làng trên địa bàn huyện Cư M’gar có đội văn nghệ với các chương trình biểu diễn phong phú, hấp dẫn gồm các điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số; nhiều NVHCĐ ở huyện Krông Năng thường diễn ra các buổi sinh hoạt hát ayray, hát then, đàn tính...

Nhận xét về vấn đề này, ông Bùi Văn Khối, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho biết: Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo địa phương thì đội ngũ ban chủ nhiệm NVHCĐ giữ vai trò chủ động và sáng tạo. Do vậy, bên cạnh việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cần có những cơ chế chính sách đối với ban chủ nhiệm để họ có thể yên tâm công tác, có điều kiện trau dồi nghiệp vụ chuyên môn. Đồng thời cần chủ động xây dựng ngân sách cho văn hóa – thông tin, thể thao theo Luật Ngân sách, song song với việc huy động thêm sự đóng góp của nhân dân theo phương thức xã hội hóa. Mặc khác, tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất, đặc biệt là khắc phục những khiếm khuyết trong thiết kế, xây dựng, mở rộng khuôn viên, mặt bằng và đầu tư trang thiết bị thiết yếu phục vụ các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tại NVHCĐ. Trong quá trình tổ chức các hoạt động cần có sự phối hợp tích cực giữa các ban, ngành, các cấp; tranh thủ sự giúp đỡ về mọi mặt của các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với buôn; đưa các nội dung như công tác khuyến nông, khuyến lâm, công tác truyền thông, các chương trình mục tiêu quốc gia vào trong sinh hoạt tại NVHCĐ...

Được biết, thời gian tới, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và tham mưu lên UBND tỉnh ban hành quy chế mới về tổ chức hoạt động của NVHCĐ; trong đó có quy định rõ chế độ tài chính đối với NVHCĐ, đặc biệt là nguồn kinh phí bảo đảm các hoạt động thường xuyên cũng như phụ cấp cho ban chủ nhiệm...

 Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.