Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo Nhà thờ gỗ ở Kon Tum

06:49, 28/05/2016

Giữa thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) lặng lẽ, thanh bình có một ngôi nhà thờ được làm bằng gỗ với những nét kiến trúc rất độc đáo có tuổi đời cả trăm năm, một trong những điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa.

Tham quan Nhà thờ gỗ, ngay từ xa du khách sẽ thấy tháp chuông được tạo điểm nhấn bằng màu nâu giữa nền trời xanh trông rất bắt mắt và ấn tượng. Theo tư liệu lịch sử, giữa thế kỷ XIX, những nhà truyền giáo người Pháp đã đến đây xây dựng các nhà thờ bằng gỗ, tre để truyền đạo. Đến năm 1913, linh mục người Pháp Giuse Decrouille quyết định xây dựng ngôi nhà thờ lớn tại đây. Công trình đến năm 1918 thì hoàn tất.

Nhà thờ gỗ Kon Tum
Nhà thờ gỗ Kon Tum.

Nhà thờ gỗ Kon Tum có kiến trúc kết hợp giữa phong cách Roman và nhà sàn của người Ba Na, bao gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông; cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm... Điểm độc đáo của nhà thờ là vật liệu chính được làm hoàn toàn  bằng gỗ; các bức tường, vách được làm bằng đất trộn rơm, không dùng bê tông cốt thép và kể cả vôi vữa để sơn trét... Bên trong nhà thờ có nhiều khung cửa được thiết kế với các loại kính có nhiều màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng.... Khi ánh sáng mặt trời chiếu qua sẽ tạo nên một không gian vừa lung linh, lại vừa huyền ảo và cũng rất rực rỡ cho giáo đường... Khuôn viên Nhà thờ gỗ cũng được kết hợp hài hòa giữa hai hàng cây sứ luôn tỏa bóng mát với con đường dẫn đến những khu nhà làm cho du khách như quên hết mệt mỏi khi bách bộ tham quan nơi đây. Đặc biệt, vào tháng 3, khi những cây hoa đào đậu nở thì trên những con đường tới nhà thờ sẽ ngập tràn sắc hồng, trắng, trở thành một con đường hoa đầy thơ mộng... Phòng truyền thống của Nhà thờ còn trưng bày nhiều hiện vật, bút tích, hình ảnh, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Kon Tum.

Tồn tại hơn một thế kỷ, Nhà thờ gỗ Kon Tum vẫn chưa có dấu hiệu xuống cấp và đang trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của TP. Kon Tum bên dòng Đắk Bla xinh đẹp.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.