Multimedia Đọc Báo in

Nét riêng trong cách đánh chiêng của người Xê Đăng

08:26, 29/05/2016

Đồng bào Xê Đăng huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) hiện vẫn còn bảo lưu nhiều phong tục tập quán, lễ hội mang dấu ấn thời nguyên thủy; trong đó, cồng chiêng là nét văn hóa thể hiện rõ nhất sự gắn kết ấy.

Với người Xê Đăng huyện Nam Trà My, cồng chiêng là biểu tượng cho cuộc sống của tộc người. Chỉ cần nghe tiếng chiêng, người Xê Đăng có thể nhận ra cộng đồng đang thực hiện những nghi lễ hay hoạt động văn hóa nào. Dàn chiêng của người Xê Đăng thường có số chẵn, có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau và kèm theo một trống giữ nhịp cho chiêng. Người Xê Đăng ở xã Trà Cang sử dụng bộ chiêng gồm 12 chiếc, còn người Xê Đăng ở hai xã Trà Nam, Trà Linh sử dụng bộ chiêng gồm 9 chiếc với thứ tự chiêng 1 (Prong neng), chiêng 2 (Neng), chiêng 3 (Deng Prong pong), chiêng 4 đực (Chai), chiêng 4 cái (Chai), chiêng 5 đực (Dương), chiêng 5 cái (Dương), chiêng 6 đực (Prong) và chiêng 6 cái (Prong). Những chiếc chiêng ấy thường đi cùng với một trống (xi cơ) tạo thành một dàn chiêng tương đối lớn. Theo truyền thống thì trống bao giờ cũng được người Xê Đăng đánh đầu tiên, khi trống đánh nhịp thứ 3 thì chiêng vào. Trống cũng được đánh liên tục hoà cùng tiếng chiêng tạo nên âm điệu dồn dập cùng các điệu múa xoang của các cô gái và điệu nhảy truyền thống của các chàng trai, tất cả tạo nên một sắc thái riêng thật tươi vui cho các lễ hội của cộng đồng Xê Đăng.

        Người Xê Đăng nhảy múa, đánh  cồng chiêng trong mùa  lễ hội.  Nguồn: Tiền Phong
Người Xê Đăng nhảy múa, đánh cồng chiêng trong mùa lễ hội. Nguồn: Tiền Phong

Người Xê Đăng nơi đây không có chiêng núm mà hoàn toàn là chiêng bằng hoà cùng với trống đảm nhiệm giai điệu và giữ nhịp cho cả dàn chiêng. Mặc dù không có cồng nhưng tiếng chiêng vẫn bảo đảm được độ vang và độ trầm bổng cần thiết. Điều đó đòi hỏi mỗi nghệ nhân khi đánh chiêng phải có khả năng tư duy âm nhạc để có thể ứng xử một cách linh hoạt trong những bài chiêng hòa vào lễ hội của cộng đồng. Khi đánh chiêng, người Xê Đăng có nhiều cách móc dây treo vào ngón cái của tay trái (nếu người đó thuận tay) và móc dây treo vào ngón cái của tay phải (nếu người đó không thuận tay), tùy thuộc vào từng bài chiêng mà người đánh chiêng đưa ngang tầm ngực để đánh. Cách đánh này sẽ tạo ra âm thanh trong trẻo, dội vang xa. Cũng với cách móc dây như vậy những người đàn ông Xê Đăng khi đánh chiêng thường để bắp tay của mình tựa vào mặt ngoài của chiêng. Khi đánh chiêng, họ đánh vào mặt trong của chiêng dội nên âm thanh dội ra ngoài gặp bắp tay kìm lại tạo nên âm thanh trầm hơn. Đồng bào Xê Đăng huyện Nam Trà My không dùng cách xoa mặt chiêng, cũng không dùng nắm tay để đánh vào mặt ngoài của chiêng và họ cũng không khoác dây đeo vào vai như chúng ta thường thấy ở cách đánh chiêng một số dân tộc vùng Tây Nguyên như: Êđê, J’rai, Ba na, Mạ... Với đồng bào Xê Đăng nơi đây, cách đánh chiêng trên có sự linh động hơn, đồng thời cũng tạo nên nhiều sắc thái và biểu cảm khác nhau. Từ lâu, cồng chiêng được người Xê Đăng coi là một thứ tài sản quý giá, một báu vật thiêng và là một biểu tượng không thể thiếu trong đời sống và lễ hội của mình.             

Sơn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.