Multimedia Đọc Báo in

Những cuộc "vượt cạn" của di tích

08:23, 07/05/2016

Theo Luật Di sản, di tích được xếp hạng thành nhiều loại: Di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, kiến trúc nghệ thuật, danh thắng… Chúng ta nên có cách ứng xử với từng loại di tích, không thể áp dụng chung một công thức. Nếu không làm rõ được điều này, những bất cập trong công tác bảo tồn, trùng tu khiến dư luận bức xúc vẫn chưa có hồi kết!

Khu Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại.  Ảnh: Hoàng Gia
Khu Di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại. Ảnh: Hoàng Gia

Cụ thể, với di tích lịch sử thì việc trùng tu phải giữ lại tuyệt đối giá trị mà thời kỳ nó thuộc về. Bởi đó là chứng nhân lịch sử, là nguồn sử liệu xác thực và tất nhiên giá trị lịch sử phải đặt lên trên hết, không cho phép thay đổi hay hư cấu tùy tiện. Với di tích khảo cổ học, yêu cầu số một là phải bảo quản nguyên vẹn nguồn dữ liệu lịch sử đã bị vùi lấp và được phát lộ ở đó. Duy trì “những tế bào tinh tế” của các tầng văn hóa ẩn chứa (đã bị xáo trộn theo thời gian, lịch sử) nhằm tạo điều kiện cho con cháu mai sau tiếp tục nghiên cứu, khám phá…

Di tích kiến trúc - nghệ thuật thì nên ứng xử theo hai cách trong trùng tu. Với dạng thứ nhất (có đặc điểm và giá trị toàn vẹn của một thời đại, hay một thể loại) thì tính lịch sử cùng giá trị - với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật bắt buộc phải giữ lại đầy đủ, nguyên vẹn. Tính xác thực lịch sử, sự hiện diện của những thành phần kiến trúc đã tồn tại qua bao thăng trầm thời gian... phải được lưu giữ nghiêm ngặt, không thể thay đổi tùy tiện như hiện nay. Bởi đụng chạm đến tuổi thọ, chất liệu, cấu kiện của di tích là làm mất đi độ tin cậy giá trị công trình. Đối với dạng thứ hai (có những thành phần cần được bảo tồn bên cạnh thành phần khác ít có giá trị) thì việc trùng tu, tôn tạo có thể chấp nhận được trong nguyên tắc sau: Những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng nói chung đều là những cơ thể sống động, đang phục vụ và thích ứng với nhu cầu của cuộc sống đương đại - thì có thể được cải tạo từng phần, thậm chí là mở rộng để tiếp tục làm “sống lại” di tích, nên ban hành văn bản đi kèm quy định rõ ràng (phần nào, hạng mục gì) thuộc diện bảo tồn bắt buộc và không bắt buộc để đảm bảo cán cân giữa bảo tồn và phát triển. Phải bảo tồn có trọng điểm, phải mang tính khả thi, không thể ôm đồm và thiếu hiệu lực quản lý như thực tế đã xảy ra.

Đình Lạc Giao.   Ảnh Hoàng Gia
Đình Lạc Giao. Ảnh Hoàng Gia

Tuy vậy, vấn đề bảo tồn, tôn tạo di tích vẫn còn không ít thách thức đặt ra. Bởi vì chưa bao giờ xã hội bỏ tiền của ra khá nhiều đến vậy và tỏ ra quan tâm đặc biệt đến di sản văn hóa như hiện nay. Theo đó, cũng chưa bao giờ di tích lại phải đối mặt trước những “thảm họa” nghiêm trọng có thể xảy ra bất kỳ ở đâu và bất cứ lúc nào. Nói đến điều này, KTS Hoàng Đạo Kính phải thốt lên: “Những cuộc trùng tu, nhìn trên những gì đang diễn ra hôm nay, là những cuộc vượt cạn của di tích không biết kêu đau và không biết tri hô…”. Tại sao? Thứ nhất, chúng ta đang vận dụng tư duy xây dựng cơ bản vào tư duy trùng tu. Thay vì “chữa trị”, người ta đang làm cái việc gọi là “đại phẫu thuật” di tích,  trong đó vai trò của nghệ nhân, chuyên gia bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Có thể nói trùng tu đang được đánh đồng với xây dựng cơ bản thuần túy, kết cục di tích bị đưa ra khỏi bản chất đích thực. Thứ hai, xuất phát từ cách nghĩ và cho rằng di tích của mình giản đơn, nhỏ bé và  kém lộng lẫy nên mới cố sức (thậm chí mải mê) tôn tạo để nó được to đẹp, bắt mắt hơn mà quên rằng giá trị lịch sử khách quan và giá trị văn hóa của di tích có được mới là cốt yếu nhất. Cuối cùng, sự rắp tâm “thương mại hóa” di tích cũng là vấn nạn. Có thể nói từ nhận thức về chủ trương, chính sách và cả sự đầu tư tiền bạc của Nhà nước, doanh nghiệp… người ta đã không ngần ngại biến những di tích trở thành “thực đơn du lịch” để kiếm lợi nhuận.

Trong thời gian qua, dư luận đã phản ứng mạnh mẽ việc hàng loạt di tích trên địa bàn cả nước bị biến dạng và méo mó về mặt giá trị lịch sử - văn hóa vì những lý do trên. Những Thành cổ Sơn Tây, Đình Mông Phụ, Thụy Phiêu, Đền Và và đặc biệt là Chùa Trăm Gian (Hà Nội), Đền cổ Ngu Nhuế, Đền Mẫu (Hưng Yên), Thành Tuyên Quang… đã thật sự trải qua những cuộc “vượt cạn” đau đớn như KTS Hoàng Đạo Kính đã từng nói. Tất thảy những di tích (được công nhận cấp quốc gia) vừa nêu, sau khi được “trùng tu” xong, không ai nhận ra đó là cái gì nữa, nó hoàn toàn mới mẻ và thậm chí không còn phảng phất một chút gì so với nguyên bản - người dân sinh sống lâu đời trong vùng có di tích đã xót xa nhận xét như thế! Rồi ngay cả Hoàng Thành Cố đô Huế, cũng như không ít lăng tẩm, miếu mạo ở vùng đất giàu văn hóa này cũng không tránh khỏi vấn nạn trùng tu di tích theo kiểu “trẻ” và “rẻ” hóa (!) Nhìn những công trình như Minh Ân Viện, Điện Minh Thành trong Đại Nội, cũng như một số hạng mục và công trình thuộc quần thể Lăng Gia Long, Đồng Khánh… sau khi trùng tu, tôn tạo xong, nhiều nhà nghiên cứu như Phan Thuận An, Nguyễn Xuân Hoa, Phùng Phu đều lắc đầu ngao ngán và cho đó là một cách “hủy hoại di tích” không hơn, không kém.

Còn ở Đắk Lắk, đến nay chưa xảy ra điều gì trong việc trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, không vì thế mà không có cảnh báo “nhãn tiền”: đó là tình trạng phân cấp quản lý, bảo vệ di tích còn bất cập và lỏng lẻo khiến một số địa chỉ, công trình (được công nhận cấp tỉnh, quốc gia) bị xuống cấp, biến dạng đáng kể. Có thể kể đến như Tháp cổ Yang Prông (Ea Súp) được mài bóng và làm mới hoàn toàn sau đợt trùng tu 2013. Đã vậy, các cổ vật trong tháp không còn, thay vào đó là đủ loại vật phẩm tế lễ “không giống ai” được người dân tự tiện bày ra khắp nơi, khiến giá trị di tích bị hạ thấp. Nhà nghỉ Bảo Đại (Hồ Lắk) được giao cho một doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hiện đang bị “cải tạo” lại theo hướng tiêu cực và phản cảm hơn. Đặc biệt là Biệt Điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du-TP. Buôn Ma Thuột), vừa qua Trung tâm Quản lý di tích tỉnh cũng đã nỗ lực nghiên cứu, phục dựng một số hiện vật có giá trị trong nội thất di tích (như bàn ghế làm việc, tiếp khách, phòng ngủ cùng các vật dụng sinh hoạt và tranh, ảnh) liên quan đến vị cựu Hoàng, nhằm phát huy giá trị di tích. Song, nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại việc mở dịch vụ “Một lần làm Vua” tại đây với các sản phẩm (du khách đến thăm được mặc hoàng bào, đi hia, đội mũ (mão)… ngồi trên bệ rồng) để chụp ảnh, quay phim làm kỷ niệm - mà theo một số nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử cho là thiếu trung thực, làm ảnh hưởng toàn cục bản chất lịch sử vốn có của di tích.

Những điều tâm huyết trên sẽ rất bổ ích cho những cá nhân, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong việc quản lý, phát huy vốn di tích trên địa bàn Đắk Lắk, để tài sản quý báu ấy thật sự có giá trị, đóng góp một phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.