Multimedia Đọc Báo in

Thăm lán Khuổi Nặm, nhớ Bác Hồ

07:08, 22/05/2016

Đến thăm hang Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) dọc theo bờ suối Lênin đi vào, ta sẽ thấy nhiều di tích gắn liền với quãng thời gian Bác Hồ sống và hoạt động cách mạng ở đây: nơi Bác Hồ ngồi câu cá bên bờ suối sau buổi làm việc, cây ổi Bác vẫn hái lá đun nước uống thay trà, nền nhà ông Lý Quốc Súng, chiếc "Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”…

Ngoài ra, còn có một di tích cách khá xa hang Pác Bó là di tích lán Khuổi Nặm, nơi Bác Hồ ở từ cuối tháng 3-1941 đến tháng 5-1945.

Lán Khuổi Nặm cách hang Pác Bó khoảng một cây số. Đường quanh co men theo chân núi, càng đi càng dốc lên. Được biết, đường vào lán xưa kia chỉ là một lối mòn cheo leo, nay được mở rộng hơn và lát đá cho tiện đi lại. Còn khe núi trên đường vào lán ngày trước rậm rạp um tùm giờ là những thửa ruộng bậc thang tiếp nối nhau chạy ngược đến tận phía rừng xa. Trên đường vào lán Khuổi Nặm có di tích hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu. Hang Slí Điếng là một hang đá nhỏ nằm gần đường đi, từng được Bác Hồ và các cán bộ sử dụng làm hòm thư liên lạc bí mật. Các công văn, chỉ thị, báo cáo, thư từ ... được đặt ở một vị trí quy định trong hang, cứ đến ngày giờ nhất định thì có người đến lấy hoặc gửi tài liệu. Nhờ thế liên lạc luôn bảo đảm bí mật và thông suốt. Cách đó khoảng trăm mét là hang Diêm Tiêu. Hang ở trên một vách đá khá cao, trước cửa hang cây cối, cỏ dại um tùm. Hang rất kín đáo nên Bác Hồ đã chọn làm nơi cất giấu tài liệu bí mật trong suốt thời gian hoạt động ở đây.

Lán Khuổi Nặm
Lán Khuổi Nặm

Lán Khuổi Nặm nằm ngay cửa rừng, bên dòng suối nhỏ, dưới gốc cây um tùm. Do nơi dựng lán có dòng suối nên gọi là lán Khuổi Nặm (theo tiếng Tày, Nùng, Khuổi Nặm nghĩa là suối nước). Căn lán nhỏ làm theo kiểu nhà sàn của người Tày, rộng khoảng 12m2, mái lợp tranh, vách được ken bằng lá cáp tao (một loại cây rừng, lá gần giống lá dừa). Sàn được lát bằng những khúc cây rừng. Trên sàn có kê một tấm ván để làm bàn làm việc của Bác. Lịch sử còn ghi, ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Bác Hồ về nước để trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Bác đã chọn Pác Bó làm nơi ở và làm việc. Thời gian đầu, từ cuối tháng 1 đến tháng 3-1941, Bác ở tại hang Pác Bó. Đến cuối tháng 3-1941, Bác chuyển sang ở lán Khuổi Nặm. Nơi này kín đáo, nếu có động thì rút ngược theo suối Khuổi Nặm lên đến mốc 108 là sang đất Trung Quốc an toàn. Đến tháng 5-1945 Bác mới dời về chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang) để chỉ đạo cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng 8-1945.

Lán Khuổi Nặm cũng như hang Pác Bó đã in hình bóng Bác những năm tháng Người ở đây lãnh đạo phong trào Cách mạng. Không những thế, chính tại nơi có căn lán nhỏ bé đơn sơ này đã diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng. Hội nghị do Bác Hồ, lúc này còn mang tên Nguyễn Ái Quốc, với tư cách là đại biểu của Quốc tế Cộng sản, triệu tập và chủ trì. Hội nghị diễn ra từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, đề ra nhiệm vụ hàng đầu của Cách mạng Việt Nam giai đoạn này là giải phóng dân tộc. Hội nghị đã thành lập tổ chức “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh) để đoàn kết, tập hợp các lực lượng yêu nước cùng nhau chống đế quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc. Phía trước lán, bên bờ suối còn có một bãi cỏ rộng và bằng phẳng. Đấy là dấu tích địa điểm nấu cơm phục vụ các đại biểu về dự Hội nghị.

Cũng tại lán Khuổi Nặm, Bác Hồ đã sáng lập ra tờ báo Việt Nam độc lập, xuất bản số đầu tiên vào ngày 1-8-1941. Tính từ đó cho đến số cuối cùng ra ngày 20-8-1945, báo ra được tất cả 126 số, hoàn thành một cách vẻ vang vai trò tuyên truyền cách mạng của mình.

Quanh lán Khuổi Nặm còn có nhiều di tích khác ghi dấu những tháng ngày Bác Hồ ở đây. Cách lán không xa vẫn còn dấu tích vườn rau của Bác. Hằng ngày, sau những giờ làm việc căng thẳng, Bác lại ra đây cuốc đất, vun xới chăm bón cho rau, vừa để có cái cải thiện bữa ăn hằng ngày vừa là để thư giãn. Gần đó có một bãi cỏ khá bằng phẳng, cao ráo là nơi tập thể dục của Bác. Sáng sáng, Bác dậy sớm ra đây tập thể dục, đi vài đường quyền rồi xuống suối tắm rửa trước khi bắt tay vào làm công việc của ngày mới.

Về Pác Bó thăm lán Khuổi Nặm, càng xúc động khi nghe bài ca “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: “Khuổi Nặm còn vang lời ca mong nhớ ơn Người”.

Hoàng Minh Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.