Multimedia Đọc Báo in

Trường Sa - mùa hoa bàng vuông nở

17:04, 15/05/2016

Hoa bàng quả vuông được ví là loài hoa kiêu hãnh ở quần đảo Trường Sa. Ngoài tô điểm cho đảo thêm màu xanh nhựa sống, hoa bàng vuông còn là sợi dây nối liền khoảng cách giữa đảo xa với đất liền, là điểm khơi nguồn nảy nở những mối tình đẹp đẽ.

Cả đoàn công tác xúc động trước hình ảnh một chiến sĩ trẻ Trường Sa cầm chùm hoa bàng vuông tiến lại gần một nữ văn công và nói: “Lính đảo Trường Sa giản dị chân thành, xin tặng em đóa bàng vuông này, coi đây là tấm lòng lính đảo” khi cô vừa kết thúc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Liên. Nhận chùm hoa trên tay, cô gái trào nước mắt, thay cho lời cảm ơn là vòng tay siết chặt và tiếng nấc nghẹn ngào. Câu chuyện lãng mạn ấy xuất phát từ chuyến đi Trường Sa tháng 4-2008.

Sắc hoa bàng vuông.
Sắc hoa bàng vuông.

Ngày ấy, tàu Hải quân của Lữ đoàn 125 đưa đoàn công tác đi Trường Sa theo diện “du lịch”. Sau 2 ngày đêm vượt sóng, đoàn đến Song Tử Tây - một hòn đảo đẹp nhất trong quần đảo Trường Sa ở tọa độ X. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ đón đoàn tại cầu cảng với tất cả niềm hân hoan. Một chiến sĩ vội nhảy xuống nước để đón dây mồi, nhiều chiến sĩ xung phong xin được dẫn văn công lên bờ. Sau những cái bắt tay thân tình, những món quà của hậu phương trao gửi lính đảo là phần biểu diễn văn nghệ. Trong phần kể về đời sống sinh hoạt hằng ngày của lính Trường Sa, chiến sĩ nọ xin kể câu chuyện “Mùa hoa bàng vuông nở”. Anh vào đề: “Mùa hoa bàng vuông nở ở Trường Sa, cũng đồng nghĩa với mùa tình yêu của lính đảo. Bởi chúng tôi được đón văn công nhiều nhất, nhiều câu chuyện tình đẹp đẽ cũng chớm nở từ đây. Những lúc nhớ đất liền, hoa bàng vuông làm người bạn tâm tình, khi gặp văn công, hoa bàng vuông làm nhịp cầu kết bạn. Hoa bàng vuông ở Trường Sa kiêu sa, chỉ nở về đêm, hương ngát thơm như mùi hoa sữa”. Đáp lại tấm lòng của người lính Trường Sa, cô văn công đoàn ca múa Hải quân đứng dậy cầm micro ứng khẩu: “Em là cô gái hậu phương/Gặp anh ở đảo vấn vương chữ tình/Anh ơi, em vẫn một mình/Sớm trưa chiều tối bóng hình cô đơn/Hôm nay chẳng có gì hơn/Tặng anh bài hát tình thương quê nhà/Xin hãy coi đây là quà/Của em gái nhỏ mặn mà tặng anh”. Cả đoàn vỗ tay ào ào, các chiến sĩ trẻ vô cùng thán phục tài ứng khẩu của cô văn công. Người chiến sĩ nọ cầm chùm hoa bàng vuông từ dưới chạy lên quỳ trước người đẹp mà rằng: “Xin tặng em một đóa bàng vuông/Tình lính đảo gửi vào trong ấy/Mỗi buổi hoàng hôn, đêm về, sóng dậy/Ngắm hoa bàng anh lại thấy vui hơn”.

Người lính đảo ấy tên là Nguyễn Văn Vượng bây giờ đã trở thành quân nhân chuyên nghiệp với cấp hàm Thiếu úy, còn cô văn công là Thanh Huyền bây giờ đang công tác tại đoàn Văn công Hải quân. Lần nào có tàu về đất liền, người lính ấy vẫn gửi thư dù điện thoại đã phủ sóng, còn cô văn công đến hẹn lại ra, hát cho lính đảo Trường Sa nghe.

Đến Trường Sa hôm nay, mọi người sẽ được ngắm những chùm hoa bàng vuông thơm ngát mùi hoa sữa lung linh trong bạt ngàn nắng gió.  Hoa bàng vuông nở vào ban đêm. Đến mùa hoa nở, lính trẻ thường rủ nhau đi xem. Từng cánh hoa vươn mình bật ra khỏi đài hoa như những tia sương trắng muốt. Sáng sớm trên đường tuần tra, cả đảo rực rỡ hoa bàng lung linh trong nắng gió. Từ khi nở đến khi tàn khoảng 10 ngày, hoa luôn tỏa ra mùi hương ngan ngát như hoa sữa. Lính trẻ hái hoa bàng vuông ép khô vào sổ và làm quà gửi về đất liền tặng bạn gái, người thân. Khi có văn công ra thăm biểu diễn, hoa bàng vuông trở thành món quà ý nghĩa tặng văn công sau những điệu múa lời ca. Khách từ đất liền ra thăm, ai cũng muốn mình có tấm hình lưu niệm dưới gốc cây, bên chùm hoa đặc biệt này. Nhiều người đã xin quả bàng đem về đất liền nhân giống. Thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Vượng chia sẻ: Hoa bàng vuông ở đảo Trường Sa còn có ý nghĩa tượng trưng cho sức sống dẻo dai, mãnh liệt, kiên cường của những người lính trẻ trước bạt ngàn bão tố.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc