Multimedia Đọc Báo in

Đá voi Yang Tao và những truyền thuyết ly kỳ

07:54, 05/06/2016

Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 40 km theo Quốc lộ 27, đá Voi Yang Tao gồm một cặp đá Voi Cha (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) và đá Voi Mẹ (xã Yang Tao, huyện Lắk) hiện lên sừng sững giữa núi rừng, mang trong mình những truyền thuyết ly kỳ, bí ẩn.

Theo ông Y Thi H'lưng (buôn Biăp, xã Yang Tao), hai hòn đá có từ bao giờ không ai biết, chỉ thấy chúng ngự giữa thung lũng Yang Tao từ rất lâu rồi, vì có hình dáng giống những con voi nên dân làng gọi là Đá Voi. Đá Voi Cha nằm sừng sững giữa thung lũng, mặt hướng về phía những dãy núi điệp trùng, dưới chân hòn núi đá cây cỏ xanh tốt, ong bướm bay rập rờn tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Cách đó 5 km, đá Voi Mẹ ngự giữa cánh đồng lúa bao la. Theo giai thoại của người xưa để lại, đá Voi Cha sau nhiều lần dịch chuyển đã tiến về sát chân núi, còn đá Voi Mẹ lúc đầu nằm ở phía Bắc, hướng mặt ra Hồ Lắk nhưng chỉ sau một đêm, người ta đã thấy đá Voi Mẹ nằm sừng sững trên cánh đồng lúa giữa thung lũng rộng mênh mông. Hai mương nước chạy dài song song cạnh đó được cho là bằng chứng xác thực nhất về đường dịch chuyển của đá.
Đá Voi Cha hiện lên sừng sững giữa thung lũng Yang Tao thơ mộng.
Đá Voi Cha hiện lên sừng sững giữa thung lũng Yang Tao thơ mộng.

Thung lũng Yang Tao trù phú, cỏ cây xanh tốt quanh năm, buôn làng M’Nông nơi đây có cuộc sống yên bình, no ấm với hai mùa lúa. Người dân nơi đây coi đá Voi như một vị thần thiêng liêng, che chở bảo vệ cho cuộc sống bình yên của họ nên bà con luôn trân trọng, giữ gìn và không bao giờ dám xâm phạm. Những người già kể rằng, lúc trước có một số người có ý định khai thác đá Voi Cha nhưng khi chiếc dùi đục bằng sắt vừa chạm vào đá, người ta đã thấy một dòng máu đỏ trào ra ngay chỗ đục. Quá hoảng sợ, những người này vội vã bỏ chạy và chẳng bao giờ dám quay trở lại đây một lần nào nữa. Cũng kể từ đó, người ta không còn thấy đá Voi Cha di chuyển nữa. Nhưng hầu hết người dân ở đây đều tin rằng, đá Voi Cha và đá Voi Mẹ sẽ còn di chuyển cho đến khi chúng về sát bên nhau.

Những người dân trong vùng đều cho rằng hai tảng đá này không chỉ "biết đi" mà còn tự chuyển mình từ thể lỏng sang thể rắn. Theo những người già kể lại thì ban đầu, đá rất mềm, như một bãi đất bùn đùn lên mặt đất, mọi người hào hứng trèo lên mình đá chạy nhảy, đùa giỡn. Sau đó, đá bỗng dưng cứng lại như bây giờ, trên lưng đá vẫn lưu giữ nhiều dấu tích được cho là dấu chân của con người và con vật từ xưa để lại. Trong số những dấu tích ấy có dấu tích liên quan đến giai thoại đá Voi nuốt mỹ nữ ly kỳ. Người già trong làng kể: “Ngày xưa, trong buôn có nhà phú ông Y Thui có hai cô con gái là H’Hoa và H’Thảo rất xinh đẹp. Một buổi chiều nọ, hai chị em leo lên mình đá Voi Cha chơi đúng lúc thần đá chuyển mình sang thể cứng, H’Hoa bị lún sâu vào đá, kéo mãi không lên được. Ông Y Thui đã huy động toàn bộ sức lực của người và cả voi, trâu làm sức kéo nhưng vẫn không thể đưa H’Hoa thoát ra. Sau 7 ngày 7 đêm, H’Hoa bị nuốt hoàn toàn vào trong mình đá. Mọi người bất lực đứng nhìn cảnh cô gái trẻ từ từ chìm vào tảng đá mà không khỏi nghẹn ngào. Đêm đó, H’Hoa hiện về trong giấc chiêm bao của người thân nói với họ rằng cô đang sống rất hạnh phúc với Yang Tao (thần đá). Cô nhắn mọi người đừng đau buồn, thần đá sẽ phù hộ cho buôn làng. Vì vậy mà người dân nơi đây coi đá như một vị thần bảo vệ cho cuộc sống của buôn làng”.

Già Y’Ruê Ênuôl (buôn Ghắp, xã Yang Tao) kể rằng đá Voi còn được coi như một vị thần tình yêu. Các cặp trai gái yêu nhau vẫn thường ngồi trên lưng đá Voi hò hẹn, trao lời thề nguyền, cầu mong thần đá sẽ che chở cho tình yêu của họ. Những người bị thất tình hay chưa có người yêu cũng thường đến kể cho thần đá nghe về câu chuyện của mình và tin rằng thần đá sẽ thấu hiểu và phù hộ. Hiện nay, trên mình đá Voi còn vô số dấu vết của các cặp đôi yêu nhau để lại, họ khắc tên lên mình đá và những lời nguyện ước cùng nhau.

Nguyễn Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.