Người nặng lòng với lời hát kể khan
"Chiêng nhà Mdrong Dăm không rời khỏi xà dọc. Rìu rựa không rời khỏi cán. Đầu trâu bò phơi khô không kể ngày đêm. Họ đánh chiêng cùng một nhịp, đánh trống đôi cùng một hơi. Nhà giàu ăn năm uống tháng không dứt tiếng chiêng. Họ uống rượu, nước tràn xuống gầm nhà, làm con ếch trắng phải kêu, con nhái kêu inh ỏi dưới gầm nhà sàn. Đến lúc đó nhà Mdrong Dăm mới cởi chiêng, gỡ ché. Mùa ăn năm uống tháng tạm ngừng...”.
Trong căn nhà sàn nằm ở đầu buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột), giữa tiếng gió thổi rì rào, tiếng trẻ em nô đùa tíu tít, được nghe lời khan (sử thi Êđê) như miên man lạc bước vào thế giới như mộng ảo với hình ảnh các vị thần, các anh hùng cùng không gian cổ xưa của người Êđê tự ngàn đời... Đó là cảm xúc của những người có mặt khi nghe anh Y Wôn Knul (sinh năm 1981, phó buôn Akô Dhông) hát kể khan câu chuyện về chàng Mdrong Dăm huyền thoại. Khi ấy, cả gương mặt, ánh mắt của anh đều biểu hiện một cách sinh động trạng thái, tính cách, tình cảm của từng nhân vật trong câu chuyện với chất giọng như ru, đầy truyền cảm, sâu lắng. Những ca từ được gieo vần điệu lúc trầm, lúc bổng, xen lẫn với tiếng sáo đing puôt dìu dặt thiết tha kết hợp với cử chỉ, điệu bộ của người nghệ nhân trẻ khiến cho người nghe như bị thôi miên. Dường như ai cũng mường tượng ra bức tranh sinh động về cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa, các cuộc giao tranh, các cuộc săn bắt rồi huyền thoại về thần Sông, thần Núi cũng như các sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân tộc Êđê thuở xa xưa...
Anh Y Wôn (bìa trái) diễn xướng hát kể khan. |
“Mình may mắn sinh ra trong gia đình có ông bà, cha mẹ đều thuộc nhiều câu chuyện cổ, lời khan, cũng như các luật tục của người Êđê. Từ khi còn bé mình đã được nghe sử thi qua lời hát kể của ông bà mỗi tối trước khi đi ngủ, nên cứ thế ngấm dần lúc nào không hay...”, lời tâm sự chân thành không giấu niềm tự hào về truyền thống gia đình của Y Wôn như lý giải cho việc thuộc lòng những lời hát kể gần như trọn vẹn tác phẩm sử thi – điều hiếm thấy ở những người cùng lứa tuổi của anh hiện tại. Không ai dạy và chưa bao giờ chú tâm nghĩ rằng phải học thuộc, nhưng cứ nghe trong tâm thức, trong cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn đầy mộc mạc ấy, khi mới hơn 10 tuổi, anh đã thuộc nhiều bài kưt, lời đối đáp và cả thể loại “khó nhằn” là kể khan mà ông, bà thường hay hát.
“Bây giờ ít ai còn thuộc và hát kể được sử thi. Mình cứ tiếc mãi vì nhiều người già hát kể khan rất hay giờ đã mãi mãi ra đi; trong khi đó thì lớp trẻ lại chẳng có mấy người kế cận. Mình cũng đã tham gia một số liên hoan, hội diễn văn hóa truyền thống các dân tộc, thấy cồng chiêng, hát ayray cùng nhiều giá trị văn hóa khác đã được khôi phục, giữ gìn, nhưng riêng về hát kể sử thi thì rất hiếm, hầu như rất ít người hát kể...”, tâm sự ấy của anh Y Wôn cũng là nỗi trăn trở chung của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và những người say mê văn hóa dân gian. Một thực tế đáng buồn cần phải nhìn nhận, đó là ở hầu hết các buôn làng, không gian diễn xướng không còn, nghệ nhân hát kể khan ngày một già đi và đã về với thế giới ông bà tổ tiên theo năm tháng mà chưa kịp truyền lại cho lớp trẻ. Theo tìm hiểu được biết, tại 33 buôn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thì con số nghệ nhân biết hát kể khan chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay; trong đó anh Y Wôn là một trong số những người ít ỏi ấy.
Y Wôn trăn trở: “Mình chỉ mong thế hệ trẻ sẽ có người kế tục hát kể sử thi, để lời khan của ông cha không bị mai một và biến mất...”. Thực hiện niềm suy tư ấy, những năm qua, trong khả năng có thể của mình, anh Y Wôn đã nỗ lực thu hút thanh thiếu niên trong buôn tham gia các sinh hoạt cộng đồng, hát kể cho các em nghe những lời khan, điệu kưt; truyền cho các em niềm đam mê, ý thức giữ gìn, bảo tồn vốn văn hóa quý báu của cha ông mình. Tâm sự về công việc không kém phần nhọc nhằn và cần lòng nhiệt tình, niềm say mê, tâm huyết để góp phần giữ gìn, bảo tồn lời hát kể khan, anh tâm sự: “Mình có thể làm được đến đâu thì cố gắng làm thôi. Đôi lúc cũng vì hoàn cảnh gia đình, mình chưa được chuyên tâm lắm, những khi ấy mình cảm thấy rất day dứt. Mình rất mong Nhà nước, các cấp ngành quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong công tác gìn giữ, bảo tồn, để sử thi được “sống” trong không gian nguyên bản của nó tại các buôn làng...”.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc