Bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống: Từ chính sách đến thực tiễn…
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình (đề án) hỗ trợ, giúp đỡ các cộng đồng dân tộc ít người trên địa bàn Đắk Lắk bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống bằng nhiều giải pháp kịp thời và đa dạng. Tuy nhiên, nhìn trên thực tế thì hiệu quả mang lại chưa cao do chưa giải quyết được “gốc rễ” của vấn đề. Có thể nói gốc rễ của vấn đề ở đây chính là sự tham vấn, lựa chọn của chính chủ thể vốn văn hóa ấy chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức trong quá trình bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của mình.
Bà con tự biết phải bảo tồn, phát huy cái gì (!?)
Câu chuyện về bảo tồn và phát triển vốn văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm: đó là nền tảng, thiết chế xã hội cổ truyền dần bị biến đổi, và tất nhiên ý thức của chính chủ thể vốn văn hóa ấy cũng dần biến chuyển theo… Vì thế trong khái niệm văn hóa vô cùng rộng lớn và nhiều tầng nấc ấy, người trong cuộc mới biết họ cần phải bảo tồn cái gì và bằng cách nào.
Không gian sinh hoạt truyền thống trong gia đình người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên luôn được bảo tồn, gìn giữ |
Lễ hội là một ví dụ. Ngân sách Nhà nước đầu tư đáng kể (kể cả các doanh nghiệp cũng vậy) để phục dựng và tổ chức lễ hội hầu khắp các địa phương. Nhưng thử hỏi hiệu quả mang lại đến đâu - và hơn thế điều đó có tác động như thế nào trong đời sống phát triển của các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở đây? Nhiều người cho rằng cách tổ chức lễ hội theo kiểu “ấn từ trên xuống” và người đứng ra tổ chức đóng vai trò “ông bầu” như vậy là không ổn, hay nói cách khác là không thực chất. Ở góc nhìn này, một số người có uy tín và hiểu biết tường tận vốn văn hóa của cha ông mình như cụ Y Bhiu Niê (xã Cư Bao- thị xã Buôn Hồ), hay nghệ nhân dân gian Điểu Klung (xã Krông Na-huyện Buôn Đôn) đã bận lòng: “Cán bộ làm văn hóa của tỉnh, của huyện xuống buôn làng tìm hiểu đã lâu, nhưng không hiểu sao họ chẳng biết chúng tôi đang muốn gì và cần gì? Cũng chẳng thấy hỏi han ai, các vị cứ theo ý mình bắt bà con tổ chức lễ hội, cúng bến nước, ăn cơm mới…”. Nghệ nhân Điểu Klung cũng như già Y Khâm ở xã Ea Nuôl phản ánh: Cứ như lễ hội Buôn Đôn ấy, hai năm tổ chức một lần chỉ để cho người khác xem mà thôi. Bà con trong buôn làng ít tham gia vì đến đó không biết làm gì! Điều đó đúng, bởi một khi lễ hội được xem như tập hợp sống động và đầy đủ nhất các yếu tố văn hóa chứa đựng trong đó (là nghi thức, tín ngưỡng, âm nhạc, vũ điệu…) không được nhà tổ chức tham vấn và quan tâm từ đời sống cộng đồng của chính người dân ở đó thì tất yếu mọi thứ diễn ra đều là… diễn! Khúc mắc này, có lần báo chí đặt vấn đề và được Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã huyện Buôn Đôn-Y Si Thắk trả lời: “Lần nào cũng vậy, huyện giao cho phòng văn hóa lên “kịch bản”, sau đó phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện. Còn ý kiến của người dân thế nào, qua 4 kỳ lễ hội diễn ra, chúng tôi vẫn chưa thấy gì…” (?!)
Có lẽ vì “chưa thấy gì” từ nhu cầu, thậm chí là đòi hỏi tự thân của bà con người dân tộc thiểu số trong vùng nên lễ hội này cứ chạy theo sự sắp đặt của “người ngoài cuộc”. Trong khi đó người M’nông ở Buôn Đôn cũng như nhiều nơi khác (ngoài việc săn bắt, thuần dưỡng voi), người ta rất coi trọng nghi thức đón-tiễn mùa vụ nông nghiệp trong năm. Và trên thực tế, họ đã tự đứng ra tổ chức trong các buôn làng của mình. Anh Y Đông K’neh ở buôn Trí B (xã Krông Na) cho biết: Lễ hội “Đón hồn lúa về kho” của đồng bào M’nông ở đây hoàn toàn không có “kịch bản” trước, nhưng ai cũng nhập cuộc tưng bừng và rộn rã. Mỗi thành viên trong cộng đồng tham gia lễ hội là mỗi thành tố chân thực và thiết yếu để làm nên giá trị văn hóa đúng nghĩa, không lẫn lộn với dân tộc khác- từ nơi chốn, trang phục, âm nhạc, vũ điệu… đến lễ vật dâng cúng và hiến tế. Lễ hội như thế, hay nói đúng hơn là một giá trị văn hóa truyền thống được chính chủ thể của nó quan tâm chọn ra để bảo tồn, phát huy bao giờ cũng đạt đến sự chân thật như nó vốn có. Từ đó mới thấy việc bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa của các cộng đồng dân tộc nói chung, nếu thuận theo cuộc sống thì mới bền vững và không vấp phải trở ngại nào-Y Đông lưu ý.
Phải để cho người trong cuộc lên tiếng
Không hẳn là cứ bỏ tiền ra để tổ chức, phục dựng lại lễ hội và cổ xúy bà con đứng ra gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống là được, mà nên hỏi họ cần giữ lại cái gì, không giữ lại cái gì… chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
Lễ hội cồng chiêng được xem là lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. |
Điều này đã được chứng thực tại buôn Tring (phường An Lạc-thị xã Buôn Hồ) khi Viện Nghiên cứu xã hội-kinh tế và môi trường (iSee) có cuộc khảo sát, làm rõ vấn đề bảo tồn và phát huy vốn văn hóa người dân tộc thiểu số tại chỗ gắn với thực hành sinh kế vào những tháng đầu năm 2014. Tại đây, người trong cuộc được nói lên nguyện vọng, mơ ước của mình thông qua những cuộc tiếp xúc, trao đổi với chuyên gia nghiên cứu và những người có mối quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống trong mọi tầng lớp xã hội. Những câu chuyện mà người buôn Tring “kể bằng hình ảnh” (photovoice) đã cho thấy họ quan tâm đến cái gì trong cuộc sống đương đại diễn ra. Nhà dài, bến nước, âm nhạc cồng chiêng là những yếu tố không thể thiếu đối với không gian sống, đồng thời là không gian văn hóa-lịch sử của bà con, cần giữ gìn vun đắp. Thậm chí cho đến các luật tục của cộng đồng đặt ra xưa nay - điều gì cần giữ lại và phát huy, điều gì phải loại bỏ cũng được chính họ sàng lọc, nhìn nhận và tường minh. Nói như bà H’Lil Niê: “Việc ấy không ai làm thay chúng tôi được, bởi mỗi một thành viên trong cộng đồng buôn Tring hiểu rõ nhất. Có những lễ, tập tục mà đến nay người bên ngoài cho là hủ tục, là lạc hậu, nhưng với chúng tôi lại không nghĩ như thế…”.
Do vậy chính quyền địa phương và cơ quan làm công tác văn hóa nên lấy đó làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất để hoạch định chủ trương, chính sách phù hợp cho việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số hiện nay.
Bất kỳ một giá trị văn hóa nào đều có bước chuyển mình theo lịch sử, sự rạn nứt rồi đứt gãy… sau đó tự thân chúng sắp xếp lại theo logic, trật tự tích cực và phù hợp với môi trường mới là chuyện đương nhiên. Nhưng ở đây, nhìn vào thực tiễn thì logic ấy sẽ khác đi nếu như những người có trách nhiệm, cơ quan hữu trách thiếu tôn trọng sự tham vấn của cộng đồng, cứ cố tình áp đặt việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa các dân tộc thiểu số theo ý mình… |
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc