Lễ hội vui múa ở nhà để lúa của người Thái
Nhắc đến người Thái là nhắc đến áo váy thổ cẩm bền đẹp, rực rỡ; đến những bông lúa nếp trĩu nặng đung đưa trên những bờ ruộng bậc thang lượn sóng; đến kho tàng văn hóa dân gian riêng rẽ trong đa dạng và đến thế giới tâm linh với quan niệm đa thần huyền bí, trong đó không thể không nhắc tới lễ hội “xé lạu” độc đáo, với ý nghĩa vui múa ở nhà để lúa.
Mùa gặt tới, mỗi gia đình người Thái đều lo chuẩn bị cho mình những chiếc “hẹp” (dụng cụ tựa chiếc liềm thu nhỏ nhưng khác với lưỡi liềm ở chỗ nó được mài sắc nhẵn như lưỡi dao chứ không có chấu như liềm) dùng để cứa đứt từng bông lúa. Cắt lúa xong, đồng bào lại tiếp tục trải chúng trên ngọn rạ phơi cho được vài nắng rồi mới mang lạt của cây giang ra bó lại từng “va” (nắm); 5 “va” gộp lại thành 1 “cum” (bó), mỗi “cum” áng chừng khoảng 3 kg thóc. “Cum” cũng chính là đơn vị đo lường mà người Thái nghĩ ra để tính sản lượng lúa thu hoạch được trên một diện tích canh tác, từ đó họ quy ra được giá trị tiền tệ để đổi hoa lợi, thành phẩm với các tộc người anh em trong vùng. Trước khi đón lúa về nhà, người Thái sửa sang lại “lau khạu” (nhà để lúa) thật kỹ lưỡng, mái tranh, vách ngăn bốn bên đến cửa ngõ đều được chăm chút, quét tước sạch sẽ, chỉn chu. Theo tập tục của người Thái thì “lau khạu” không được dựng gần nhà ở nhằm tránh hỏa hoạn bất trắc; hơn nữa phải giữ cho vị thần cai quản kho lúa “khoăn khạu” (vía lúa) luôn thanh tịnh hòng làm tốt công việc thủ kho cao quý. Từng “cum” lúa được xếp đặt từ tốn, lúa gặt sau sẽ đưa vào “lau khạu” trước, lúa gặt trước để vào sau. Người Thái quan niệm nếu vía lúa được tiếp đón nồng hậu, tử tế thì năm đó gia đình sẽ được đủ no, mùa màng tốt tươi dù cấy trồng bất cứ nơi đâu; còn thờ phụng, tiếp đãi sơ sài, bất xứng thì sẽ đổi lại thất bát, họa tai giáng xuống. Quan niệm này của người Thái liên quan đến một sự tích: Thuở hồng hoang của ông cha, lúa chín là tự khắc sẽ tìm đường bay về nhà chủ, không cần mất sức hái gặt. Đến một ngày, có đôi vợ chồng trẻ nọ vì mới cưới nhau nên đã mải mê vui thú xuân sắc đến nỗi mùa gặt tới mà quên đi công việc hệ trọng dọn dẹp nơi ở cho lúa. Khi những hạt lúa trên nương chín rụi rồi tự tìm đường về nhà thì họ đã mắng nhiếc, hắt hủi lúa vì đã quấy rầy họ không đúng thời điểm. Rồi đôi vợ chồng trẻ ấy đã “làm luật” với lúa là hãy để cho họ tự ra đồng gặt hái, tự gánh lúa về, tự làm nhà để cất lúa tránh “bị” lúa quấy rầy và họ đã được toại nguyện.
Ruộng bậc thang của người Thái ở thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái). |
Lễ hội “xé lạu” của người Thái với tâm niệm làm vừa lòng những hạt lúa mới chắc mẩy, khô khén và cúng cho vía lúa luôn được cứng cáp, mạnh khỏe. Lễ vật cúng tế cũng như thời gian tổ chức ăn uống, vui hát tùy theo khả năng từng nhà. Mâm cúng ngày lễ phải có thịt gà, thịt vịt, sang hơn nữa thì mổ lợn, mổ bò mời bà con dân bản đến ăn uống, vui hát. Nhiều nhà có khả năng lắm lúc bày ra nhảy múa, vui vầy tới 2, 3 đêm ngày mới hết lễ. Một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái trong ngày “xé lạu” là phần hát đối nam nữ ngay giữa sân “lau khạu”. Khi thức ăn trên mâm vơi đi, khi những “lảu kép”, “lảu bẳng”, “lảu co”, “lảu xá”, “lảu xả” (tên riêng các loại rượu cần) vơi cạn cũng là lúc những câu hát đối mượt mà hơn, tình cảm hơn. Bên gái hát: “Cha mẹ em ước được ăn dưa hấu mọc ở lưng trâu/Ước được ăn dưa bở mọc ở lưng voi/Cha mẹ ước vậy anh có đáp ứng được không?”. Bên trai liền đối lại: “Anh sẽ chuyển đất đắp lên lưng trâu/Chuyển cát đắp lên lưng voi/Hạt dưa hấu anh đem gieo/Hạt dưa bở anh đem trồng/Mới trồng mà dưa đã leo giàn nở nhiều hoa/Anh mới lấy được dưa hấu mọc trên lưng trâu/Lấy dưa bở mọc trên lưng voi/Được như vậy cha mẹ em có ưng gả không?”.
Mỗi dịp “xé lạu”, gia chủ thường mời thật đông đủ người thân và bè bạn vì khi tấm lòng càng rộng rãi thì thần linh càng đãi ngộ, càng ban dư dật, no đủ của ăn. Vì vậy, lễ “xé lạu” không chỉ của riêng một gia đình mà của cả bản và các bản xung quanh. Vui múa ở nhà để lúa chính là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái – tộc người nổi tiếng với kỹ năng canh tác lúa nước.
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc