Nghĩ về văn hóa cồng chiêng hôm nay
Cồng chiêng được trình diễn trên đường phố, hòa nhập với đời sống đương đại. |
Có không ít ý kiến cho rằng phải giữ gìn văn hóa cồng chiêng dưới nguyên dạng đặc trưng của nó. Nguyên dạng đặc trưng ấy bao gồm cả hiệu quả âm nhạc lẫn không gian diễn xướng. Nói như một số nhà nghiên cứu ở Hội Văn nghệ dân gian, hoặc Viện Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam là không được chỉnh sửa hàng âm, cũng như phiên chế của từng dàn chiêng truyền thống; và chỉ được diễn tấu trong không gian “thiêng” là lễ hội, nghi thức tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng mà thôi. Nếu vượt ra ngoài “vòng cấm” ấy, cồng chiêng sẽ không còn mang giá trị văn hóa đặc sắc và tiêu biểu nữa. Và có lẽ dựa trên tính chất bắt buộc đó mà cồng chiêng Tây Nguyên bị công kích, phê phán gay gắt một khi chủ nhân của vốn văn hóa này đem đi biểu diễn ở ngoài không gian “thiêng”. Giới nghiên cứu văn hóa và cả giới truyền thông cho rằng không thể “thương mại hóa” cồng chiêng như thế được, phải bảo tồn cồng chiêng đúng nghĩa như UNESCO đã vinh danh! Hay nói cách khác là không được đưa cồng chiêng vào sử dụng như những hoạt động văn hóa - nghệ thuật thuần túy và phổ biến.
Trước sự khắt khe ấy, nghệ nhân Ama Pô phản biện lại rằng: Đời sống đã thay đổi thì cồng chiêng phải có đời sống mới chứ. Trên sân khấu, trong hội diễn văn nghệ, thậm chí là ở những tụ điểm công cộng (nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch…), cồng chiêng Tây Nguyên đã hiện diện một cách sinh động đấy thôi và cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dưới góc độ sinh hoạt văn hóa, hay đơn giản là trình diễn một loại hình âm nhạc đặc sắc của Tây Nguyên. Còn theo nghệ nhân Y Thim cũng như nhạc sĩ Y Phôn K’sor (Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk), sử dụng cồng chiêng như hoạt động văn hóa để phục vụ cho cộng đồng, bạn bè trong nước và quốc tế, thậm chí là khách du lịch… cũng là một cách giới thiệu, quảng bá vốn văn hóa này đến với công chúng rộng rãi hơn. Qua đó đưa cồng chiêng trở lại với đời sống gần gũi, chân thật vốn dĩ để nó không chết theo nghĩa bảo tồn rập khuôn và cứng nhắc. Mới rồi, Y Thim đưa đội chiêng trẻ buôn Ea Bông (xã Cư Êbur-TP. Buôn Ma Thuột) đi biểu diễn ở một số tỉnh, thành về kể chuyện: Tại xã Lát, dưới chân núi Lang Bian - Đà Lạt chẳng hạn, người ta kế thừa và phát huy giá trị âm nhạc cồng chiêng rất sôi động và hiệu quả. Nhiều dịch vụ biểu diễn cồng chiêng phối hợp với nhạc cụ hiện đại được mở ra. Người thưởng lãm vô cùng thích thú, người chơi loại hình âm nhạc này cũng ngày càng say mê và cuốn hút đủ mọi thành phần, lứa tuổi trong cộng đồng người Lạch, K’ho tham gia. Đến nỗi chính quyền địa phương phải ra quy chế, quy định rõ ràng nhằm quản lý, hạn chế các tụ điểm sinh hoạt văn hóa cồng chiêng mọc lên ngày càng nhiều ở đây.
Cồng chiêng còn hiện diện tại những điểm văn hóa công cộng (Bảo tàng, khu du lịch vui chơi giải trí...) |
Ở Buôn Ma Thuột, hay các nơi khác có du lịch phát triển như Hồ Lắk, Buôn Đôn… thì dịch vụ này thật sự chưa nhiều và còn thiếu chuyên nghiệp nên mọi người ít biết đến cồng chiêng Êđê, M’nông, hay Jarai cho lắm… Đó là một thiệt thòi và theo Y Thim, ngành Văn hóa nên có cơ chế khuyến khích việc này để sinh hoạt cồng chiêng trở nên linh hoạt và thường xuyên hơn. Bởi nói một cách rốt ráo, cồng chiêng phải có đất sống, phải rộn rã giữa buôn làng và phải hiện diện trong đời sống văn hóa, xã hội hiện nay. Có thể cồng chiêng dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu văn hóa thì phải “thế này, thế nọ” nhưng trong nếp thực hành thì tất yếu sẽ khác đi. Vì nó đang được nuôi dưỡng bằng hơi thở thực tế nhằm phục vụ cho nhiều mục đích của cuộc sống đương đại đặt ra - nghệ nhân Y Thim một lần nữa nhấn mạnh. Cố nhiên, trong quá trình “cách tân” cồng chiêng phải dựa trên vốn văn hóa đặc trưng truyền thống từ bao đời nay. Nhạc sỹ Y Phôn K’sor cũng như nhiều người am hiểu cồng chiêng cho rằng, sự sáng tạo thêm giá trị cho cồng chiêng dựa trên căn bản đó là hướng đi phù hợp nhất hiện nay. Có điều, để có bước đi đúng đắn, phù hợp ấy giúp cồng chiêng “lột xác” rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan chuyên ngành văn hóa ở địa phương. Ở góc độ này, không ít người trong cuộc cho rằng, chưa thấy một cơ quan hữu trách nào đứng ra “bảo hộ” cả, mà hiện tại bà con đang làm cái việc “lột xác” cho cồng chiêng của mình là hoàn toàn bằng nỗ lực tự thân. Điển hình là đội chiêng buôn Kô Siêr – TP. Buôn Ma Thuột, họ đã cùng nhau sáng tác thêm nhiều bài chiêng mới như “Chong chóng quay”, “Ching ngàn mưa đá”, “Lời của gió, lời của Bazan”, “Ngân nga nhà dài”… dựa trên vốn âm nhạc dân gian Êđê để làm phong phú thêm chương trình biểu diễn, phục vụ công chúng trong và ngoài nước một cách tự tin, vượt ra ngoài không gian “thiêng” truyền thống. Sự sáng tạo này, nghệ nhân Ama Pô thừa nhận đó là sự kế thừa và phát triển vốn văn hóa cồng chiêng để tự nuôi sống mình (về mặt tinh thần cũng như vật chất), từ đó mới có điều kiện hướng đến câu chuyện trường tồn cho cồng chiêng Tây Nguyên trong môi trường mới đầy biến chuyển hiện nay.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc