Khi vẻ đẹp thô ráp kết tinh
Một tấm vải lanh, một chiếc váy Mông được làm ra từ vỏ cây lanh hút mắt mọi người giữa rừng xanh thăm thẳm trong tiếng hát lảnh lót và nhịp bước gập ghềnh vách đá tai mèo.
Không những vậy, sắc màu khác lạ của những chiếc váy Mông còn cuốn hút ánh nhìn của mọi người ngay cả giữa thị thành bởi sự kết hợp giữa vẻ hoang sơ, tự nhiên với bàn tay khéo léo, cần cù và cái đầu đầy sáng tạo của một dân tộc nổi tiếng phóng khoáng và thông minh đang sống trên những triền núi cao vời vợi ở vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Công đoạn luộc sợi lanh. |
Từ cây lanh đến tấm vải thô rồi thành chiếc váy hoa tung nhảy theo mỗi bước chân người phụ nữ Mông phải trải qua hơn 20 công đoạn cơ bản. Mỗi công đoạn là nhiều giờ lao động trực tiếp trên hai bàn tay của người phụ nữ. Có thể nói vải lanh và váy Mông là kết tinh bởi sự hoang sơ và sự tinh tế, cầu kỳ.
Lanh trồng khoảng 4-5 tháng là thu hoạch được. Những buổi cắt lanh là dịp người Mông giúp nhau vừa làm vừa vui đùa, ca hát. Cây lanh sau khi cắt, tước sạch lá mang về nhà đem phơi khoảng 3-7 ngày, nếu mưa thì phải sấy. Bắt đầu chuỗi lao động liên tục của đôi bàn tay phụ nữ Mông là việc tước vỏ. Việc này diễn ra ở quanh nhà vào bất cứ lúc nào. Vỏ lanh được bó lại đưa vào “chằm” (giã) cho mềm ra, dùng đá lăn cho mềm. Có thể thấy đôi tay người phụ nữ Mông luôn bận rộn. Ở nhà, đi chợ, trên đường lên nương… đi đâu họ cũng mang theo búi sợi lanh tranh thủ vê, nối thành những cuộn dài. Những cuộn sợi được cuốn vào guồng lớn thành các vòng chu vi chừng 8 m rồi đưa vào luộc. Trong khi guồng luôn phải sửa và nối lại sợi. Trong quy trình có tới 2 lần giặt sợi và giặt vải. Hai người phụ nữ giật 2 đầu làm cho cuộn sợi bay nhảy trên mặt nước như một con rồng múa. Sợi sạch, khô rồi bắt đầu quá trình chuẩn bị lên khung dệt; đánh suốt (cuộn sợi vào cuốn nhỏ để dệt ngang); tạo “go” (tạo các mành dọc để đưa các sợi ngang đan vào tạo thành vải). Kỹ thuật dệt của người Mông rất đơn giản vì chỉ có 2 lớp “go”. Việc tết dây tạo “go” là việc khó, cần tập trung để tránh nhầm lẫn nên chỉ ít người có kinh nghiệm làm được. Tết xong công việc cuối cùng là rải sợi và cuốn vào ống trước khi lắp lên khung dệt. Đến công đọan này vẫn cần sự chú ý cao độ để sửa lỗi trên sợi.
Khung dệt của người Mông. |
Khung dệt của người Mông không có bất kỳ một chi tiết tự động nào. Cuộn chỉ suốt được lắp trong chiếc suốt to dài hơn 40 cm để người dệt lùa qua lùa lại. Mỗi lần đưa qua người dệt dùng gáy suốt dập để ép sợi chặt lại. Vải dày mỏng, đều hay không đều phụ thuộc vào người dệt. Vải ra rồi lại phải giặt. Nếu nam giới thì nhuộm chàm rồi may. Với phụ nữ thì bắt đầu một trong 2 quy trình trang trí dày công là vẽ sáp và nhuộm chàm. Sáp ong nung chảy, dùng một ngòi bút chứa nhiều mực vẽ lên mặt vải để sáp ngấm vào thớ vải. Sau đó nhuộm chàm, phơi khô rồi làm cho sáp ong tan chảy để lại các hoa văn màu trắng của vải trên nền chàm. Bây giờ người ta không còn tự làm chỉ màu, chủ yếu người Mông mua sợi len, hoặc chỉ màu về thêu váy. Giờ thì bạn có còn đắn đo khi mua một chiếc váy Mông hay một sản phẩm làm từ vải lanh có hoa văn nhuộm sáp hoặc thêu của người Mông không?
Hoài Thanh
Ý kiến bạn đọc