Nét văn hóa độc đáo về một sự gắn kết thiêng liêng
Nhân một chuyến tham quan du lịch đến “xứ sở kim chi”, tôi được ghé thăm Hoàng cung Quốc gia Kyong-Bok tại thủ đô Seoul.
Trong tất cả những sản vật đặc trưng về lịch sử, văn hóa được trưng bày tại cung điện này, tôi ấn tượng nhất là chiếc chum (hũ) đựng “cuống rốn” của những người con trong một gia đình Hàn Quốc được trân trọng lưu giữ và giới thiệu cho mọi du khách đến tham quan. Chẳng phải ngẫu nhiên người Hàn Quốc lại lưu giữ và trân trọng những “cuống ruột chung” của mọi em bé khi sinh ra, mà đây là nét văn hóa độc đáo của dân tộc Nam Hàn.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc lưu giữ dây rốn khá phổ biến, với ý nghĩa nhắc nhở thế hệ sau về tầm quan trọng của “chiếc cầu nối” nuôi dưỡng em bé suốt những tháng ngày được hình thành và lớn dần trong bụng mẹ. Đối với một số nước châu Á, ví dụ như các bà mẹ ở Nhật Bản, họ luôn giữ một phần cuống rốn khô của con mình trong một chiếc hộp gỗ nhỏ, ngoài việc làm kỷ niệm còn là sự thiêng liêng trong tâm niệm gắn kết các con với cha mẹ.
Hoàng cung Kyong - Bok tại thủ đô Seoul dưới cơn mưa mùa hạ. |
Riêng ở Hàn Quốc, những cuống rốn của con cái trong gia đình được phơi khô, để vào trong một chiếc hũ nhỏ và cất giữ trong chiếc chum được thay lớn dần (với sự ra đời của những người con tiếp theo), đặt trong nhà xuyên suốt năm tháng. Phải chăng đây chính là thành tâm của các bậc cha mẹ người Hàn khi muốn con cái mình phải luôn nhớ về nơi “chôn nhau cắt rốn” cho dù có đi bất cứ nơi đâu, cũng như gắn kết tình cảm ruột thịt của các anh chị em có cùng chung “hòn máu đỏ”.
Theo một người dân địa phương hiện đang sinh sống và làm việc tại Incheon, Hàn Quốc cho biết: “Việc lưu giữ cuống rốn của con cái là một truyền thống đã có từ lâu đời ở Hàn Quốc và được xem là một nét văn hóa rất đáng trân trọng của người dân Hàn Quốc”. Ngày nay, các bậc cha mẹ ở Hàn Quốc không chỉ cất giữ cuống rốn trong chiếc chum (hũ) mà còn có thể bọc cuống rốn của con mình bằng chất acrylic hay thậm chí là mạ vàng để làm kỷ niệm. Luật pháp Hàn Quốc cho phép các bậc phụ huynh giữ cuống rốn của con cái mình, nhưng việc bán cho một người thứ ba sẽ là phạm pháp. Chưa nói về lĩnh vực khoa học (cuống rốn là nơi chứa đựng tỷ trọng tế bào gốc nhiều nhất trong con người), việc lưu giữ cuống rốn trong quan niệm của người dân Hàn Quốc đã thể hiện sự gắn kết và thắt chặt tình cảm yêu thương thiêng liêng trong gia đình, cũng như trong cộng đồng người Hàn và là nền tảng để “bình quốc”. Phải chăng điều này đã được minh chứng qua sự phát triển vượt bậc của một quốc gia trải qua nhiều khó khăn, từ một nước nghèo khó ở châu Á (vào thập niên 60 của thế kỷ trước) đã trở thành một quốc gia giàu thứ 3 châu Á hiện nay và nằm trong khối các quốc gia thịnh vượng trên thế giới.
Tương tự như Hàn Quốc, Việt Nam cũng có nét văn hóa riêng về việc lưu giữ cuống rốn dưới cái tên gọi thiêng liêng là “núm ruột” với nhiều hình thức khác nhau - mặc dù chưa thấy được trưng bày trang trọng như ở Hàn Quốc. Đã có nhiều đấng sinh thành ở Việt Nam đựng cuống rốn khô của các con vào một chiếc túi nhỏ, treo dưới ánh đèn với mong muốn con sau này sẽ thông minh sáng dạ. Còn đối với gia đình tôi, mẹ tôi đã lưu giữ cuống rốn khô của người chị cả nơi gác bếp, và mỗi chúng tôi sau khi cất tiếng khóc chào đời đã được mẹ tôi mài cuống rốn khô của chị cả rồi cho chúng tôi uống với lối suy nghĩ giản dị của người chân quê là muốn anh chị em chúng tôi luôn luôn nhớ về nhau, thương yêu nương tựa nhau cũng như luôn luôn đùm bọc, gắn kết nhau để sống.
Cho dù với bất cứ lý do “duy tâm, duy vật” gì đi nữa, thì việc lưu giữ cuống rốn vẫn mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng đồng thời chứa đựng nhiều kỷ niệm gắn kết và sự hiện diện của nó chính là hiện thân của cả một hành trình dài nuôi dưỡng mầm sống trong cơ thể người mẹ, nhắc nhở cho tất cả các anh chị em được sinh ra trong gia đình đều luôn nhớ rằng mình cùng chung “núm ruột”.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc