Dạo chơi xứ núi Tịnh Biên
Miền Tây Nam Bộ rất ít núi so với miền Trung, miền Bắc nhưng thiên nhiên đã bù đắp cho xứ sở này một miền bán sơn địa còn khá hoang sơ với cụm Thất Sơn hùng vĩ thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (tỉnh An Giang). Nơi đây có nhiều thắng cảnh, di tích kỳ vĩ, thơ mộng gắn liền với những truyền thuyết, huyền thoại huyền bí còn lưu truyền trong dân gian.
Từ Châu Đốc, sau khi đi vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, du khách theo Quốc lộ 91 đi Nhà Bàng, rồi từ Nhà Bàng đi theo Tỉnh lộ 948 để lần lượt viếng thăm, khám phá những danh lam thắng cảnh của Thất Sơn trên địa phận huyện Tịnh Biên.
Trước tiên, du khách hãy đến thăm núi Két. Núi Két (còn gọi là núi Ông Két) có tên chữ là Anh Vũ Sơn, cao 225 m thuộc xã Thới Sơn (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Từ ngay cổng chính ngước nhìn lên đã thấy đầu “Ông Két” khổng lồ ở gần đỉnh. Leo lên đến mỏ Ông Két, không khí mát mẻ, nhiệt độ chỉ khoảng 19 - 25 độ C. Ở đây, du khách sẽ vào hang tham quan điện U Minh – được xem là nơi ngự trị của Diêm Vương, vị chúa tể của cõi âm. Đường vào điện U Minh quanh co, men theo các triền đá ven vực thẳm, luồn qua những ngõ ngách thâm u sâu trong lòng núi. Ngay cửa hang là hai con mãng xà đá khổng lồ đang giương mắt, phùng mang trông rất dữ tợn; qua một đoạn ngắn có bậc đá dốc xuống trung tâm điện U Minh. Điện sáng mờ mờ, rộng chừng hai chiếc đệm phơi lúa. Giữa điện, có tượng Diêm Vương ngồi chiễm chệ, phía dưới, bên trái ông là Phán Quan đang tra sổ sinh tử, thấp dưới bệ là Ngưu Đầu, Mã Diện cầm binh khí đứng hầu… Ở điện U Minh còn có một cái hang rất sâu bị khóa kín, tương truyền có thể thông qua núi Tà Lơn bên Campuchia! Từ mỏ Ông Két đi bộ chừng 20 phút là núi Dài. Sau lưng mỏ Ông Két là điện thờ chư vị “Năm non bảy núi”, được hiểu như là những bậc tiền hiền đã có công khai mở Thất Sơn, từ buổi nơi đây còn là một vùng hoang địa.
Hồ Thủy Liêm (núi Cấm). |
Núi Anh Vũ có hơn 10 địa điểm tham quan hấp dẫn. Từ dưới lên và vòng quanh núi, du khách sẽ lần lượt tham quan các điểm như: Mỏ Ông Két, điện Chư vị “Năm non bảy núi”, điện Trúc Lâm, sân Tiên, giếng Tiên, điện Ngọc Hoàng, điện Phật Thầy, điện Chiến Sĩ, điện Ba Cô, điện Huỳnh Long, điện U Minh, điện Phật Mẫu...
Dưới chân núi Két là đình Thới Sơn phía sau - một ngôi đình cổ có từ khá lâu đời (1851). Đình Thới Sơn có lối kiến trúc truyền thống (Huế), ba mái lợp chồng với ngói móc và ngói vẩy cá, trên đỉnh nóc có cặp “lưỡng long tranh châu”, tường xây gạch thẻ, quét vôi vàng, nền gạch men, chung quanh có trồng nhiều cây lưỡi rắn, sa-kê, cau, dừa kiểng… Trước đình là cổng tam quan có mái che cổ kính. Sân đình có bàn thờ Tổ quốc, Thần Nông và các miếu thờ: Sơn Quân, Bạch Mã, chiến sĩ trận vong. Nội thất đình trang trí nhiều sắc màu, các khánh thờ chạm khắc công phu, sắc nét với các đề tài: bát tiên, hoa, điểu, thú. Đình thờ Thành hoàng Bổn cảnh, trước hương án có cặp hạc đứng trên lưng quy chầu thần. Hai bên tả, hữu có các bàn đối xứng thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Có võ ca làm chỗ diễn tuồng hát bội vào các ngày đại lễ Kỳ yên. Vào các ngày vía, rằm có rất nhiều khách đến đình Thới Sơn hành hương vãn cảnh.
Sẽ rất thiếu sót nếu đến Tịnh Biên mà không lên núi Cấm (Thiên Cấm Sơn). Đây là ngọn núi cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (716 m), nằm trong dãy Thất Sơn kỳ vĩ thuộc huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Nơi đây đã trở thành một lâm viên quốc gia với nhiều thắng cảnh, chùa chiền, hang động đẹp tuyệt như suối Thanh Long, động Thủy Liêm, hang Vồ Bồ Hông, chùa Phật Lớn, Vạn Linh Tự.
Khách hành hương thường đi bộ lên núi Cấm. Bạn cũng có thể thuê xe ôm lên núi hoặc đi xe chuyên dụng, cáp treo… Chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm là địa điểm thu hút rất đông khách tham quan. Ngôi chùa năm xưa bị bom thiêu hủy, nay mới xây cất lại uy nghi, bề thế trên nền đất cũ.
Bạn có thể nghỉ đêm trên đỉnh Bồ Hong của Thiên Cấm Sơn, nếu vào dịp có trăng thì rất thi vị, lãng mạn. Ở chót vót non ngàn, càng về khuya càng lạnh, văng vẳng tiếng chuông chùa trong sương rừng và gió núi, trời trong veo, trăng treo nghiêng đầu núi... sẽ là những cảnh tượng thú vị, khó quên.
Đến với Tịnh Biên, dù chỉ một lần, sẽ cho bạn nhiều lưu luyến!
Ngoài ra, ở núi Cấm còn có những công trình gây ấn tượng mạnh cho khách tham quan như tượng Phật Di Lặc uy nghi, bề thế cao 32 m, bên trong là tòa nhà 8 tầng; Vạn Linh Tự nằm dựa lưng vào sườn núi với bảy tầng tháp sừng sững, ngoạn mục, trước mặt là hồ Thủy Liêm mênh mông, lộng gió với làn nước trong vắt thấy rõ từng đàn cá chép đỏ, vàng lượn lờ đớp bóng…
Đặng Hoàng Thám
Ý kiến bạn đọc