Di tích không chỉ để tôn vinh (Kỳ I)
Tôn vinh mà không đầu tư, tôn tạo để phát huy giá trị của di tích nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và dân sinh của địa phương thì chẳng khác gì đưa một hiện vật nào đó vào tủ kính bảo tàng - và nó sẽ chết theo nghĩa bảo tồn… Cần làm gì để thực sự tôn vinh các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng là vấn đề đáng quan tâm.
Kỳ 1: Từ Khu căn cứ kháng chiến H9-Krông Bông
Tại buổi họp báo mới đây do Sở VH-TT-DL tổ chức để lấy ý kiến từ các nhân chứng lịch sử và các cơ quan, ban ngành chức năng nhằm hoàn thiện hồ sơ Di tích Khu căn cứ kháng chiến H9-huyện Krông Bông trình Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, nhiều đại biểu cho rằng, đây là cơ hội và điều kiện tốt nhất giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn này cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống. Ông Lê Văn Long, Phó Bí thư Huyện ủy Krông Bông phấn khởi chia sẻ: Nếu khu căn cứ cách mạng trên được công nhận và xếp hạng cấp quốc gia thì Nhà nước sẽ quan tâm đầu tư vào đây nhiều hơn. Đến lúc đó người dân ở địa phương được hưởng lợi từ giá trị di tích mang lại trên các mặt kinh tế, xã hội cũng như dân sinh. Hy vọng trước mắt là đường sá, điện, nước… sẽ được nâng cấp, mở mang thêm, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa vốn còn gặp nhiều khó khăn này.
Đoàn khảo sát tìm và định vị được địa điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ V (tháng 10-1971) tại buôn Ngô, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông. |
Mục tiêu đặt ra như vậy nên quá trình tiếp xúc, khảo sát và hoàn thiện hồ sơ Khu di tích H9 - Krông Bông diễn ra hết sức tích cực và đầy quyết tâm từ nhiều phía - từ sở chủ quản, đến các ban ngành liên quan và nhất là chính quyền sở tại. Được biết, để được xếp hạng cấp quốc gia cho một di tích phải mất không ít thời gian, công sức và cả tiền bạc. Khu di tích H9-Krông Bông cũng vậy, từ khi có kế hoạch, phương án khảo sát, xác định thực địa, đo vẽ bản đồ, khoanh vùng bảo vệ cho đến lấy ý kiến đóng góp, phản biện của các nhân chứng, ban ngành liên quan, rồi hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt phải mất cả năm trời. Theo đó, các khoản chi cho những phần việc bắt buộc trên cũng tốn kém đến hàng trăm triệu đồng. Một cán bộ lãnh đạo trong ngành văn hóa Đắk Lắk nói rằng: “Biết vậy nhưng phải làm! Làm vì trách nhiệm, tình cảm trước đồng bào các dân tộc vùng căn cứ năm xưa; vì niềm tự hào với truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông để lại; vì sự nghiệp giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau…”.
Quan trọng là người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống trong vùng di tích được hưởng lợi một cách xứng đáng, công bằng như mục tiêu đã xác định: gìn giữ, bảo tồn di tích gắn kết với phát triển du lịch và sinh kế cộng đồng” -
Ông
Lê Chí Quyết,
cán bộ lão thành cách mạng
|
Tất nhiên, ai cũng ghi nhận điều đó và cho đây là sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền trước những hy sinh, mất mát của lớp người đi trước. Đồng thời, việc làm ấy là để giúp đỡ cho người dân một thời gian khó, gắn bó với phong trào cách mạng ở đây có điều kiện vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc hơn. Cũng từ nhận thức ấy, nên trong quá trình hoàn thiện hồ sơ Khu di tích lịch sử H9-Krông Bông đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhiều người, nhiều tầng lớp nhân dân. Trong đó đáng kể nhất là những bậc lão thành cách mạng, nguyên là cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ như các ông Huỳnh Văn Cần, Lê Chí Quyết, Ama Oanh, Ama Thương. Họ tham gia vào công việc trên từ đầu đến cuối, kể cả lúc khó khăn nhất như trực tiếp băng rừng, lội suối để xác định cho được những địa điểm diễn ra các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk từ năm 1963 đến 1969 trong những cánh rừng Cư Pui đã mờ mịt dấu tích khi tuổi tác đã ngoài 80. Trong những chuyến đi ấy (cuối tháng 8-2016), ông Lê Chí Quyết tâm sự: “Về phần chúng tôi, đã làm hết sức mình để không phụ lòng tin tưởng của Đảng và nhân dân giao phó. Một di tích lịch sử tầm cỡ đã được xác định, khoanh vùng bảo vệ - và sắp tới chắc chắn sẽ được công nhận, xếp hạng cấp quốc gia là niềm vui, niềm tự hào cho huyện Krông Bông nói riêng và Đắk Lắk nói chung. Vấn đề còn lại là làm sao tôn tạo, xây dựng và biến di tích được xem như tài sản quý báu ấy thành thế mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương”.
Ông Lê Chí Quyết (bìa trái) tham gia đoàn khảo sát Khu di tích lịch sử H9 - Krông Bông vào cuối tháng 8-2016. |
Rồi đây di tích này sẽ được công nhận, xếp hạng và định hướng trên trở thành “kim chỉ nam” để Đắk Lắk, mà trực tiếp là huyện Krông Bông bắt tay thực hiện, nhưng bằng cách nào là vấn đề thực sự nan giải - Ông Đinh Văn Long - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông chia sẻ. Cách đây 4 năm, hang đá Đắk Tuôr – xã Cư Pui (cũng nằm trong quần thể Khu căn cứ H9-Krông Bông) được xếp hạng di tích cấp tỉnh - và ngay lập tức chủ đầu tư là Sở VH-TT-DL được rót kinh phí hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, điện, nước, bãi đỗ xe, tường rào bảo vệ) nhằm khai thác, phát huy giá trị phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Song, đến nay Di tích lịch sử hang đá Đắk Tuôr không đáp ứng được kỳ vọng đó, nhiều hạng mục đầu tư đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, tường rào bao quanh khu di tích A - nơi trú ẩn, hoạt động của Tỉnh ủy trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bị hư hỏng nặng. Tại khu B của di tích thì hầm, hào, hội trường… đã bị san lấp để mở đường tuần tra cho Vườn Quốc gia Cư Yang Sin. Đó là chưa kể đến những “áp lực” đang đè nặng lên đây như việc quy hoạch, xây dựng các công trình, dự án phục vụ cho sản xuất nông - lâm nghiệp, điện năng, môi trường…
Tôn tạo và phát huy một cách đồng bộ giá trị của di tích sau khi được công nhận, xếp hạng là yêu cầu bắt buộc. Công nhận và xếp hạng một di tích đã khó, nhưng làm cho nó sống lại và thật sự có ý nghĩa trong đời sống xã hội quả là điều khó hơn, đặc biệt là khi biến di tích ấy trở thành thế mạnh phục vụ cho mục tiêu phát triển của cộng đồng sở hữu tài sản quý báu ấy. Từ thực tế trên, không ít ý kiến lo ngại rằng, Khu căn cứ kháng chiến H9-Krông Bông dù có được xếp hạng di tích cấp quốc gia đi chăng nữa, nhưng nếu không được đầu tư, tôn tạo kịp thời, xứng tầm và có hiệu quả thì “số phận” của nó chẳng khác gì hang đá Đắk Tuôr. Lúc đó sẽ có thêm một “gánh nặng” đặt lên vai chính quyền và nhân dân địa phương.
(Còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc