Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao Tiền
Xa quê đã lâu nhưng người Dao Tiền ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar vẫn giữ gìn và phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống mà điển hình là lễ cấp sắc.
Bà Bàn Thị Lan (thôn 3), một người am hiểu về lễ cấp sắc cho biết: Cấp sắc là nghi lễ quan trọng nhất trong đời đàn ông người Dao. Đàn ông chưa trải qua lễ cấp sắc thì đến già vẫn bị coi là trẻ con vì chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm, ngược lại người ít tuổi nhưng đã thụ lễ thì được công nhận đã trưởng thành về thể chất lẫn tâm linh, có quyền tham gia vào các công việc hệ trọng của cộng đồng, được làm thầy cúng. Theo thông lệ, đàn ông dân tộc Dao 18 tuổi trở lên, đã lập gia đình là đủ điều kiện làm lễ cấp sắc. Nghi lễ này được tiến hành tuần tự trong dòng họ, tuân thủ từ trên xuống dưới, từ cha đến con, từ anh đến em. Ngày làm lễ được chọn rất kỹ cho hợp với tuổi người thụ lễ. Ông Triệu Tiến Dũng, chồng bà Lan đã hơn 50 tuổi, có con đàn cháu đống nhưng vẫn chưa được công nhận là trưởng thành, bởi người anh con bác của ông vẫn chưa làm lễ cấp sắc. “Việc cấp sắc phải được thực hiện từ trên xuống dưới, từ lớn đến nhỏ nếu người trên chưa làm thì mình phải đợi đến lượt, chứ không được vượt mặt”, ông Dũng giải thích.
Thầy cúng (trái) đang làm lễ cấp sắc. |
Đối với người Dao, lễ cấp sắc không chỉ là niềm vui riêng của người thụ lễ mà còn là sự kiện lớn, đáng vui mừng của cả dòng họ. Nhiều năm nay, nghi lễ cấp sắc trong đồng bào Dao đã có sự cải tiến, các thủ tục không cần thiết được loại bỏ để bớt tốn kém, mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Ông Triệu Văn Quý (thôn 3) đã làm thầy cúng 10 năm cho biết: Một người đàn ông để được công nhận trưởng thành phải trải qua 2 lần cấp sắc. Mỗi lễ cấp sắc phải có 7 thầy cúng đảm nhiệm các nhiệm vụ và nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Trước đây, lễ cấp sắc diễn ra suốt 3 ngày 3 đêm, nay được gói gọn trong 1 ngày 1 đêm. Lễ cấp sắc có thể làm cho một hoặc vài người cùng một lúc. Người đàn ông có vợ thường được chọn để làm lễ cấp sắc trước. Gần đến ngày lễ, gia chủ phải cử người mang lễ vật đi mời thầy cúng, làm cơm, rượu cúng báo tổ tiên về việc chuẩn bị và hẹn thời điểm tiến hành lễ cấp sắc. Người cấp sắc phải kiêng nói tục, chửi bậy, quan hệ nam nữ hay để ý đến phụ nữ. Để hoàn thành một lễ cấp sắc phải tiêu tốn mất vài chục triệu đồng.
Mặc dù thủ tục đã được rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo đủ các trình tự hành lễ gồm: lễ dâng hương, lễ khai đàn, lễ dâng đèn, lễ thượng quang và lễ giao ấn. Kết thúc bài khấn, thầy cả giao con dấu cùng với 2 mảnh âm dương cho người được cấp sắc. Sau này nếu người được cấp sắc đi làm thầy cúng thì mang theo và đem con dấu này ra dùng. Thực hiện xong các nghi thức, thầy cúng phải cảm ơn tổ tiên, thần thánh đã đến dự.
Chị Phạm Thị Xuân Kiều, cán bộ văn hóa - xã hội xã Cư Suê cho biết: “Xã có 11 thôn, buôn trong có 3 thôn chủ yếu là người Dao Tiền. Lễ cấp sắc thể hiện nét riêng của văn hóa dân tộc, là nghi lễ quan trọng đánh dấu sự thành đạt của một người đàn ông được cộng đồng làng bản công nhận”.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc