Multimedia Đọc Báo in

Sự khác biệt về hoa văn trên váy của phụ nữ Êđê và M'nông

15:23, 17/12/2016

Đắk Lắk là địa bàn cư trú lâu đời và tập trung của người Êđê và M'nông. Hai dân tộc này ngoài những khác biệt cơ bản về ngôn ngữ, phong tục tập quán, còn có thể phân biệt qua sắc phục, nhất là hoa văn trang trí trên váy của người phụ nữ.

Mô hình bố cục hoa văn trên váy của người Êđê và M’nông đều thể hiện theo chiều ngang của váy, tức là chiều dọc của tấm vải khi dệt và thường bao gồm 4 phần: Hai đầu trên dưới và phần trang trí ở giữa. Nếu người Êđê thường tập trung thể hiện hình trang trí ở hai đầu, ở giữa chỉ trang trí điểm xuyết một vài dọc hoa văn, thì người M'nông lại thường tập trung trang trí ở khoảng giữa thành một mảng lớn với những hoa văn rực rỡ và công phu.

Trang phục của phụ nữ Êđê.
Trang phục của phụ nữ Êđê.

Người Êđê thường dùng các hoa văn chấm dải ở các hình như: răng chuột, hình hạt mướp, hình con mối được hòa hợp với đường kẻ song song với nhiều màu. Các mô hình quả trám ở trong có hình người xen kẽ các hình bó ở giữa loe ở hai đầu, các tam giác đối đỉnh, các hình nêm như các ngọn lửa, các cây rau ở khu vực trung tâm hai đầu váy. Trong khi hoa văn trên váy của người Êđê hơi đơn giản dàn trải, giữ được nét truyền thống, thì mô típ trang trí của người M'nông tỏ ra phong phú và có nhiều sáng tạo hơn. Ngoài những hoa văn chấm dải các hình tam giác đối đỉnh, các hình sóng nước với các dạng hoa văn lớn thường thấy xuất hiện trên các trang trí trung tâm của tấm dệt ở người M'nông, có một loại hoa văn đặc biệt nữa không thấy ở các tấm dệt của người Êđê – đó là thủ pháp tạo các họa tiết chìm nổi ngay trên nền màu đen mà không phải dùng đến chỉ màu. Bên cạnh những mô típ hình họa truyền thống, đồng bào M'nông còn đưa vào những tấm dệt của mình hình ảnh của cuộc sống hiện đại như: một dạng hình người, hình khẩu súng, máy bay, bình hoa, chữ kỷ niệm…

Trang phục lễ hội của người M’nông. Ảnh: Langvietonline.vn
Trang phục lễ hội của người M’nông. Ảnh: Langvietonline.vn

Màu sắc chủ yếu mà đồng bào Êđê và M'nông sử dụng không ngoài những sắc chính của ngũ sắc phương Đông, gồm các màu: trắng, xanh, đỏ, vàng, đen được chiết xuất từ các thảo mộc tự nhiên như: nghệ, chàm, duối… Màu sắc các tấm dệt của người Êđê mang lại sự ấm áp, nền nã trang trọng, biểu thị thị hiếu thẩm mỹ tinh tế và giàu tính tự chủ. Người Êđê ưa dùng màu đỏ và màu chói sáng như màu vàng nhưng không lạm dụng mà đã biết cách dung hòa với các màu bổ túc như lam hoặc xanh biếc, màu trung hòa như màu trắng đục hoặc xen kẽ với các hình chấm dải màu xám. Các màu sắc này thường được phổ hiện trên nền đen hoặc chàm thâm.

Khác với người Êđê, người M'nông luôn biểu hiện một tính cách mạnh mẽ và dứt khoát trong việc chọn lựa màu sắc thể hiện trong các tấm dệt của mình. Trên nền đen, họ dùng các màu đối lập như: đen - trắng, vàng - đỏ, đỏ - đen. Ở phần trọng tâm, thường sử dụng nhiều mảng màu đỏ, vàng, trắng, lam xen kẽ và nhắc lại với các hình họa sống động và khéo léo, do đó tấm dệt của đồng bào M'nông thường sặc sỡ và mang tính hội họa như một bức tranh ngẫu hứng hơn là sự trang trí thuần túy. Tuy vậy, ở một số tấm dệt khác, phần trung tâm người M'nông lại chỉ dùng gam màu xanh biếc hoặc màu lam, có khi chỉ là những gờ nổi chìm trên nền đen thể hiện những đường hồi văn sóng nước chạy xuyên từ trên xuống dưới, được giới hạn bởi các đường chỉ màu ở hai đầu. Đây là nét độc đáo trong những sản phẩm dệt của người M'nông.

Thanh Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.