Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo túi đựng cơm của người M'nông

13:02, 15/01/2017

Túi đựng cơm, nồi đồng, quả bầu là những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người M’nông. Trong đó, túi đựng cơm còn được chọn làm sính lễ trong các dịp cưới hỏi, là tài sản chia cho người chết khi về thế giới bên kia.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, tôi tìm đến nhà bà Yo Bông (buôn Chiêng Kao, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) người biết làm túi đựng cơm từ nhỏ. Bà cho biết: Túi đựng cơm có hình dáng trụ tròn, miệng nhỏ, đáy hơi lồi và đan theo kiểu hình xương cá. Để làm ra được một chiếc túi phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó và khéo tay. Đầu tiên phải ra đầm lầy tìm cây Diêng Dung (còn gọi là cây nát) chặt mang về phơi khô đến khi ngả thành màu vàng, sau đó, tách những sợi già, dài, suôn thẳng, không bị sâu và mối mọt ép nhẹ cho sợi dẹt mỏng để đan túi. Chỉ có thể đan túi vào lúc sáng sớm và chiều tối, vì lúc này sợi mới mềm dẻo, dễ đan. Tùy kỹ năng của người thợ, nếu tay nghề giỏi thì mỗi ngày một người có thể đan được 1 đến 2 túi, với túi lớn sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Túi đựng cơm của người M’nông được lưu giữ tại Bảo tàng Đắk Lắk.
Túi đựng cơm của người M’nông được lưu giữ tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Túi đựng cơm được coi là một vật linh thiêng của người M’nông nên khi làm xong, muốn dùng để trao đổi hoặc bán mua đều phải tiến hành nghi thức cúng thần bếp. Lễ vật cúng thường là một chóe rượu cần nhỏ và một con gà trống tơ. Người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ cắt tiết gà, lấy huyết bôi lên miệng những túi đựng cơm, mời thần linh trông giữ để cơm đựng trong túi luôn ngon không bị hỏng, người ăn không bị bệnh tật. Hiện nay, nghi thức cúng này vẫn được người dân tộc M’nông sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên duy trì nhưng đã thưa thớt dần.

 “Bây giờ nhiều người ở các buôn lân cận như: Liêng Ông, buôn Đung, buôn Du Mah… rất chuộng túi đựng cơm sợi nhỏ, già tranh thủ thời gian nhàn rỗi đan túi rồi bán với giá 20 – 30 nghìn đồng/cái. Tiền chẳng là bao so với công sức bỏ ra, nhưng vẫn thấy vui, lại giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc cho con cháu”, bà Yo Bông chia sẻ.

Túi giữ cho cơm thoát nước, thông thoáng, khi ăn sẽ ngon hơn. Sau khi ăn hết phần cơm trong túi, người dùng mang ra cạo sạch bên trong rồi treo trên gác bếp lần sau sử dụng. Túi đựng cơm còn là một tài sản dùng để làm của hồi môn chia cho con trai và con gái khi lập gia đình, mang ý nghĩa cha mẹ muốn con luôn có cơm no, áo ấm, gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc. Ngoài ra túi còn dùng để cúng lễ mừng thọ cho ông (bà) hay đựng cơm cúng cho người mới chết. Nếu muốn biết gia đình đó có bao nhiêu thành viên, chỉ cần đếm số túi đặt trong góc bếp hay trong chiếc gùi của gia chủ.

Dù bây giờ xã hội phát triển, có nhiều vật dụng đựng cơm hiện đại nhưng nhiều người M’nông vẫn giữ thói quen đựng cơm trong túi bởi tính tiện dụng, nhỏ gọn, dễ dàng mang theo khi lên nương rẫy. Tuy nhiên, số người biết đan túi không còn nhiều, lớp trẻ lại không đam mê nên nghề đan túi đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.