Multimedia Đọc Báo in

Giục giã trống hội bài chòi trên Tây Nguyên

07:44, 08/01/2017

Ngày Tết đến, hoạt động mang lại niềm vui lớn nhất, rộn rã nhất cho những người dân Quảng Nam sinh sống tại Hòa Sơn (huyện Krông Bông) có lẽ là hội bài chòi. Với họ, dường như mỗi khi tiếng bài chòi cất lên là tiếng vọng quê hương đang gọi về. Họ như đang sống lại thú chơi cũ của ông bà ngày xưa…

Trên 85% người Quảng Nam định cư ở Hòa Sơn đến bây giờ vẫn còn giữ lại được khá nhiều “chất Quảng”, một trong những nét đặc sắc đó là Hội bài chòi Xuân hằng năm. Vào lập nghiệp, sinh sống trên vùng đất mới từ những năm 1976, nhưng tới nay họ vẫn không quên những điệu bài chòi của quê hương và ra sức gìn giữ, coi như một vốn quý để truyền dạy cho con, cháu.

Dù công việc bận rộn nhưng những người con xứ Quảng đã tập hợp nhau lại lập thành mỗi thôn một đội để chơi, tự may trang phục, luyện tập thường xuyên và biểu diễn nhuần nhuyễn các điệu bài chòi truyền thống.

Mỗi độ Xuân về, tiếng trống chòi rậm rịch, giọng hát cất cao, ngân vang là thứ không thể vắng bóng trong sinh hoạt của người dân ở huyện Krông Bông. Vốn yêu mê hò hát nên đây là dịp để họ ngồi lại với nhau bên hội bài chòi.

Hội bài chòi ở xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông.
Hội bài chòi ở xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông.

Hòa Sơn gần như tụ hội hết thảy những “đặc sản” của người Quảng, từ chất giọng sang sảng không lẫn vào đâu được, các món ẩm thực đến trò chơi dân gian...

Bài chòi có hình thức chơi tương tự như chơi lô tô với 32 tấm thẻ bài và không gian chơi diễn ra trong những chiếc chòi được dựng lên ở khoảng đất trống của thôn. Trò chơi dân gian này thú vị ở chỗ: là nơi trổ tài vừa biểu diễn, vừa hát hò, đối đáp; là nơi gặp gỡ của bà con làng trên xóm dưới và đây còn là nơi để cho những nam thanh, nữ tú gặp gỡ, tìm hiểu, trao duyên.

Từ mùng 1 Tết, tiếng hô bài đã cất lên, những điệu lối, Nam ai, dân ca bài chòi được thể hiện khá mượt mà, lời bài hát có khi là những vần thơ lục bát, dân ca hoặc trích đoạn tuồng cổ như “Phạm Công Cúc Hoa”, “Thạch Sanh Lý Thông”, “Đổ Tứ tường”…

Bài chòi là lối nói bình dân, gần gũi, ngôn ngữ quen thuộc bày tỏ tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa hay phê phán những thói hư tật xấu… nên trò chơi dân gian này thu hút nhiều người đến tham gia, kể cả già trẻ, gái trai.

Nhiều trích đoạn tuồng cổ đã được họ tìm lại và diễn xướng. Bên cạnh đó bà con nơi đây còn sáng tạo thêm các bài mới, ca ngợi cuộc sống ấm no hạnh phúc, ca ngợi Tây Nguyên như quê hương thứ hai của mình.

 

Từ khi người Quảng Nam đến định cư và sinh sống trên vùng đất này thì bài chòi cũng đi vào đời sống của người dân và trở thành thứ phong vị không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về.

 
 
 Ông Phạm Đình Tấn, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Bông

Những người được coi là lão làng nhất trong Hội bài chòi ở Hòa Sơn bây giờ như cụ Nguyễn Hữu Tâm (73 tuổi), Nguyễn Thị Kha (74 tuổi), Trương Công Bàn (56 tuổi), Nguyễn Vũ Thành (51 tuổi)… đã biết hô bài chòi từ thời còn trẻ. Khi vào Đắk Lắk lập nghiệp, các cụ mang theo nét văn hóa của người Quảng về với Tây Nguyên và quyết tâm khôi phục lại hội bài chòi cổ để con cháu sau này biết được cha ông mình xưa kia đã có một bản sắc văn hóa đẹp và quý đến thế nào.

Ông Nguyễn Vũ Thành, người hô bài chòi “lão làng” nhất, nhì ở đây chia sẻ: “Mỗi lần một điệu bài chòi được hô lên, nhiều người có mặt cùng vỗ tay reo hò, thật xúc động không gì bằng...”.

Điều đáng quý là không chỉ có người già mới hô hát được thành thạo các điệu bài chòi cổ mà niềm đam mê ấy cũng “truyền” sang cho giới trẻ. Ngày Xuân, thanh, thiếu niên trong thôn rủ nhau đến xem và hăng say luyện tập bài chòi. Người già dạy cho lũ trẻ, người đi trước chỉ cho người đi sau, cứ như thế niềm hăng say với bài chòi đã lan truyền sang nhiều thế hệ. Có không ít các em nhỏ ở địa phương tuổi mới lên mười cũng theo chân các bà, các  mẹ đến hội bài chòi, giờ đây một vài em đã có thể làm tay trống, chạy hiệu hay cách lên những điệu “Nam ai, lối” một cách đầy say mê.

Giữa cuộc sống mưu sinh, vẫn còn nhiều khó khăn vất vả nhưng những điệu luyến láy dìu dặt, tha thiết, âm thanh rộn rã của hội bài chòi đã làm nên “một góc hồn dân tộc” xứ Quảng cất cao giữa mảnh đất Tây Nguyên trù phú. Đồng thời, qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong gia đình, thôn xóm một tình yêu nguồn cội, bắt đầu từ yêu những câu hát, điệu hò.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.