Tiếng hát chèo trên đất Tây Nguyên
Trên miền cao nguyên đầy nắng gió, Đội chèo xã Buôn Triết (huyện Lắk) ra đời như một sự gửi gắm niềm thương nhớ quê hương của những người con quê lúa Thái Bình.
Hát chèo cho vơi nỗi nhớ quê nhà
Ông Nguyễn Văn Vọng (thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết, huyện Lắk) tâm sự, năm 1977 ông đưa gia đình từ Thái Bình vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Sau những giờ làm việc vất vả tối đến ông lại da diết nhớ về quê hương. Khi đã vơi đi những nhọc nhằn cơm áo, ông miệt mài với những dây cước, thanh tre, miếng gỗ để làm các nhạc cụ như trống, nhị, đàn phục vụ cho sở thích hát chèo của mình.
Vào những ngày hội hè rộn rã tiếng cồng chiêng, những người con xa quê như ông cảm thấy lạc lõng. Vậy là, các ông, các bà trong làng tập trung lại và quyết định thành lập một đội chèo chia làm 2 tổ: tổ chèo thôn Mê Linh 1 và Mê Linh 2, gồm 15 thành viên. Chẳng cần hô hào, vận động đội chèo được bà con nơi đây ủng hộ nhiệt tình.
Sau khi đội chèo được thành lập, cứ đến chiều tối hay có thời gian rảnh là tất cả mọi người tập hợp lại ở nhà ông Vọng, ông Tược, bà Là để hát chèo. Ông Vọng cho biết: Lúc còn trẻ ông thường tích cực tham gia hoạt động văn nghệ ở địa phương nhưng các làn điệu chèo, hoạt cảnh chèo ông chưa biết được tường tận. Nên mỗi lần có bà con ở Thái Bình am hiểu chèo vào thăm là ông lại nhờ dạy, tổ chức tập luyện ca cảnh, hoạt cảnh, múa đôi… cho đội. Chính vì thế, chiếu chèo của đất Bắc xa xôi ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, sau bao khó khăn, vào tháng 6-2009 đội chèo đã được UBND xã Buôn Triết ra quyết định thành lập.
Một buổi luyện tập của tổ chèo Mê Linh 2. |
Dù kinh phí phải tự chu cấp nhưng đội chèo xã Buôn Triết vẫn tích cực tham gia biểu diễn khắp nơi từ thôn, xã đến huyện. Ban đầu đội chèo thường tự tập luyện các bài chèo cổ đã từng được xem, được múa hát ở Thái Bình, sau này tự dàn dựng, tự viết lời mới làm sinh động các bài chèo của đội. Các phục trang từ cái quạt, cái nón đến áo dài, khăn đóng đều được các ông, các bà tích cóp, góp tiền mua. Các bài biểu diễn của đội chèo thường được tập luyện rất công phu, xoay quanh các chủ đề như: ca ngợi quê hương, ca ngợi Đảng và Bác Hồ, mừng nông thôn mới, về cuộc sống của họ nơi mảnh đất Tây Nguyên,...
Gìn giữ điệu chèo trên quê hương thứ hai
Hầu hết các thành viên trong đội chèo đều đã cao tuổi, có người nay đã 70 tuổi vẫn tích cực tham gia. Em Nguyễn Văn Hòa, 14 tuổi, hằng ngày tận mắt chứng kiến ông, bà mình say mê luyện tập, tâm huyết giữ gìn những làn điệu chèo quê hương mà không khỏi xúc động. Em nói, sau này lớn lên em muốn được theo nghiệp đàn, hát như ông mình, góp phần làm giàu, làm đẹp thêm những làn điệu chèo trên mảnh đất Tây Nguyên.
Đội chèo xã Buôn Triết tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, góp mặt rất nhiều tại các buổi biểu diễn ở thôn, xã, huyện, không chỉ được sự ủng hộ nhiệt tình của người Thái Bình mà còn được sự trân trọng, đón nhận của đồng bào các dân tộc bản địa nơi đây. Anh Y Yang Jê (buôn Tung 3, xã Buôn Triết) cho biết: Anh đã từng được xem đội chèo biểu diễn tại xã, các bài hát nhẹ nhàng, ngọt ngào, múa rất công phu. Đối với anh, các làn điệu, nhạc cụ, hình thức biểu diễn chèo đều rất mới nhưng mỗi lần đi xem đều cảm thấy rất thân quen, nên anh rất thích và tò mò muốn học hỏi thêm.
Buôn Triết là một xã nghèo của huyện Lắk, gồm 15 thôn buôn trong đó có 6 buôn là người dân tộc thiểu số (Êđê, M’nông). Trong các ngày lễ hội của thôn, xã như ngày đại đoàn kết, làng vui chơi làng ca hát, bên cạnh tổ chức đánh cồng chiêng, múa xoang thì đội chèo của xã cũng tham gia biểu diễn như một sự kết nối các dân tộc trên địa bàn đoàn kết, đồng lòng giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Dung Nguyễn
Ý kiến bạn đọc