Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn đàn voi nhà: Cần sự thay đổi trong cách sử dụng voi làm du lịch

08:17, 24/03/2017

Voi nhà là một sản phẩm du lịch độc đáo của Đắk Lắk, nhưng hiện nay, sản phẩm du lịch từ voi vẫn đơn thuần là cưỡi voi. Trong khi đó, theo những chuyên gia về voi thì loại hình du lịch này đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tuổi thọ của voi.

Không cần chở khách, voi vẫn có thể làm du lịch

Những con voi muốn chở khách phải mang trên lưng chiếc bành to làm bằng gỗ, có khi bằng sắt, và nài voi điều khiển chúng di chuyển bằng những chiếc gậy có móc sắt nhọn. Khi không chở khách, voi sẽ bị xích chân rồi buộc ở một khu rừng. Trong khi ở trong môi trường hoang dã, voi dành mỗi ngày khoảng 16 giờ để tìm kiếm thức ăn, thì voi nhà phải dành phần lớn thời gian để chở khách nên thường xuyên trong tình trạng thiếu thức ăn. Việc voi phải quần quật làm du lịch, ăn uống kham khổ đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tuổi thọ. Minh chứng là đàn voi nhà của tỉnh trước đây hàng trăm con thì nay chỉ còn lại 44 con.

Voi chở khách du lịch ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Voi chở khách du lịch ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Vậy làm gì để sử dụng voi trong hoạt động du lịch mà ít ảnh hưởng nhất sức khỏe, tâm lý của voi? Đó là một câu hỏi đau đáu của cả người nuôi voi lẫn các nhà quản lý lâu nay. Ở một số nước đã có những mô hình làm du lịch voi mà không cần phải chở khách đang hoạt động rất hiệu quả. Tại Hội thảo Quốc tế về voi tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào tháng 1-2017, bà Sarah Blaine - Quỹ quản tượng Thái Lan khẳng định: “Nếu chúng ta thuyết phục được chủ voi thay đổi cách đối xử với voi và có sự hỗ trợ hợp lý về tài chính thì voi sẽ được đối xử tốt hơn và được sống tự do, gần gũi hơn trong môi trường hoang dã”.

 
“Việc voi bị tách rời khỏi thế giới tự nhiên để phục vụ con người đã là bất hạnh với chúng, do đó điều chúng ta cần làm là tạo điều kiện, môi trường thoải mái cho chúng sinh sống”
 
Sarah Blaine - Quỹ quản tượng Thái Lan

Rồi bà Sarah Blaine kể lại câu chuyện một ngôi làng nuôi voi ở Thái Lan đã thay đổi cách làm du lịch với voi theo chiều hướng thân thiện. Bà cho biết, khi tổ chức của bà đến ngôi làng này, voi của người dân thường bị đưa lên các thành phố lớn để chở khách và thực hiện các trò tiêu khiển. Khi chúng trở về làng thì bị nhốt trong không gian chật hẹp, thiếu thức ăn. Để ngăn việc người dân đưa voi lên thành phố làm du lịch, tổ chức của bà đã trợ cấp một khoản tiền cho các chủ voi. Và để thay đổi cách ứng xử của chủ voi đối với voi nhà, bà và các nhân viên của tổ chức đã kiên trì tiếp cận và tuyên truyền cho người nuôi voi hiểu không nên dùng gậy sắt vẫn có thể điều khiển voi, không cần chở khách mà vẫn có thể làm du lịch. Đến nay, những chú voi ở ngôi làng này đã được đưa về sống ở những khu rừng xung quanh ngôi làng. Chúng được tự do đi lại, tìm thức ăn trong rừng và vẫn thu hút được khách du lịch. Du khách đến đây không phải để cưỡi voi hay xem các trò tiêu khiển với voi mà để đi theo những con voi vào rừng xem chúng ăn, ngủ, tìm hiểu cuộc sống của chúng. “Mô hình này vừa giúp voi nhà có môi trường sinh sống tốt hơn, đồng thời cũng giải quyết được vấn đề thu nhập cho những người nuôi voi”, bà  Sarah Blaine cho hay.

Cần sự hỗ trợ để bớt “gánh nặng” cho voi

Có thể thấy, để sử dụng voi lâu dài trong ngành du lịch chúng ta cần phải thay đổi cách làm, không thể bắt voi chở khách mãi được. Ở Đắk Lắk những người nuôi voi xem voi như một thành viên trong gia đình và đều muốn tạo cho voi điều kiện tốt nhất để sinh sống. Tuy nhiên, do áp lực về kinh tế nên voi vẫn phải làm du lịch. Ông Đàng Năng Long, người sở hữu đàn voi nhà 7 con ở thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) cho rằng: “Nếu được, chúng ta nên cho những con voi nhà đã lớn tuổi ngừng chở khách rồi tập hợp chúng lại ở một khu vực để du khách đến đây có thể ngắm và chăm sóc. Khi du khách đã quen với loại hình du lịch này thì sẽ nhân rộng ra. Nhưng để làm được điều này, nhà nước cần phải có cơ chế hỗ trợ bởi nếu ngưng chở khách sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi voi”.

Voi Nam Liêng (43 tuổi) thuộc sở hữu của anh Y Tim R'jă (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) bị chết vào tháng 5-2015 sau nhiều năm chở khách du lịch.
Voi Nam Liêng (43 tuổi) thuộc sở hữu của anh Y Tim R'jă (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) bị chết vào tháng 5-2015 sau nhiều năm chở khách du lịch.

Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, việc voi phải mang bành chở khách, chân bị xích, dùng gậy móc sắt để điều khiển… đã gây ra những vết thương trên cơ thể con voi. Hằng năm, Trung tâm đều khám định kỳ và vết thương do dụng cụ này gặp rất nhiều ở những con voi nhà. Không chỉ vậy, việc voi phải làm việc quá sức gây ra những khó khăn, thách thức cho công tác bảo tồn đàn do voi không có thời gian để bắt cặp và giao phối để sinh sản.  “Do hiện nay voi đang thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức nên không thể bắt họ ngưng chở khách. Để bảo đảm phúc lợi dành cho voi, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền với chủ voi không sử dụng voi chở khách quá sức, tăng cường cung cấp thức ăn cho voi. Đặc biệt, trung tâm đang triển khai nhiều biện pháp cho voi nhà sinh sản, nhằm bảo tồn bền vững đàn voi nhà của tỉnh”, ông Chung tâm sự.

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.