Định vị thương hiệu du lịch cho hoa cà phê
Vùng núi phía Bắc nổi tiếng với hoa tam giác mạch (Hà Giang), hoa ban (Sơn La, Lai Châu, Điện Biên), còn Đắk Lắk - Tây Nguyên được biết đến qua mỗi mùa hoa cà phê nở. Tất cả đều là hoa, nhưng hoa của trời đất khác với hoa của con người sở hữu khi đưa nó vào làm du lịch, từng bước định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Sức hút của hoa
Vào dịp hoa tam giác mạch, hoa ban khoe sắc là người ta tổ chức Lễ hội hoa để thu hút du khách. Vẻ đẹp quyến rũ của hoa ở đây là tự nhiên, hoang dã nở khắp thung lũng, núi đồi để mọi người nhìn ngắm và trải nghiệm. Các đơn vị kinh doanh ngành “công nghiệp không khói” trong vùng đã biến vẻ đẹp đó thành lợi thế cạnh tranh, chứ bản thân các loài hoa kia chưa hẳn là sản phẩm du lịch, hàm chứa đầy đủ chuỗi giá trị gia tăng như hoa cà phê ở Đắk Lắk. Câu hỏi đặt ra tại sao hàng năm du khách tìm đến những địa danh có hoa tam giác mạch, hoa ban nhiều gấp 8 - 10 lần so với vùng đất bạt ngàn hoa cà phê? Nhiều người làm du lịch ở đây cho rằng, đơn giản vì hoa cà phê là do con người làm ra, chứ không phải tự nhiên mà có. Bởi thế câu chuyện đưa hoa cà phê ở Đắk Lắk phục vụ du lịch trở nên nan giải và phức tạp hơn, nếu như không có sự chia sẻ, đồng thuận giữa người trồng cà phê và doanh nghiệp.
Du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm vườn cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Dakviet cung cấp |
Thực tế câu chuyện này cho thấy, trung tuần tháng 3 vừa rồi, Lễ hội Cà phê lần thứ 6 tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, đồng thời với lúc hoa cà phê nở trắng tuyệt đẹp, nhưng số người tham gia tour trải nghiệm với loài hoa này chỉ khoảng 400 – 500 trên tổng số gần 25.000 lượt khách tham gia. Một con số quá “khiêm tốn” so với lượng khách hơn 70.000 đến với Lễ hội hoa ban Điện Biên - 2017 diễn ra cùng thời điểm. Về điều này, Ông Lê Hoàng Cơ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Đam San cho rằng, hoa tam giác mạch và đặc biệt là hoa ban vùng Tây Bắc là do thiên nhiên ban tặng. Ở đó, yếu tố con người gắn với hoạt động sản xuất, đầu tư cho hoa không giống như cà phê, nên cộng đồng dân cư tại chỗ dễ dàng bắt tay, hợp tác với ngành du lịch thiết kế tour - điểm trải nghiệm với hoa ban, hoa tam giác mạch mà không cần đòi hỏi điều kiện gì.
Cần yếu tố bền vững
Còn làm du lịch với hoa cà phê thì khác, đối tượng khám phá trước hết là đời sống của hàng vạn nông hộ gắn bó với loại cây trồng này. Dĩ nhiên, khi đời sống sản xuất thật sự ổn định, người nông dân mới tiếp nhận, chia sẻ cùng doanh nghiệp làm du lịch và ngược lại. Qua khảo sát của Công ty Du lịch - Thương mại Đam San mới đây cho thấy, bên cạnh những nguyên nhân như giá cả sụt giảm, vườn cây già cỗi cho năng suất thấp… thì “hấp lực” của một số cây trồng như hồ tiêu, sầu riêng, bơ booth đã khiến nhiều nông hộ không còn mặn mà với cây cà phê, không muốn đầu tư bài bản và có chiều sâu cho cây cà phê như trước. Vì thế đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân vốn gắn bó mật thiết với loại cây trồng này, ít nhiều bị loãng ra… khiến nét sinh hoạt đặc trưng được biết đến như một “làng nghề” bị mất dần.
Ý tưởng xây dựng tour du lịch trải nghiệm vườn cà phê mùa hoa nở được cộng đồng làm du lịch Đắk Lắk đưa ra từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn chưa định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch cả nước. Nguyên nhân một phần là do đời sống của người trồng cà phê bị đảo lộn, khiến mối quan tâm hợp tác giữa các nông hộ với doanh nghiệp trở nên lỏng lẻo, không thường xuyên. (Báo cáo đánh giá của HIỆP HỘI DU LỊCH Đắk Lắk giai đoạn 2011-2016) |
Không riêng gì Đam San, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn Đắk Lắk như Công ty TNHH Lữ hành Cao Nguyên Việt Nam, Ngày Mới, Dakviet…đều tỏ ra băn khoăn trước những yếu tố bất lợi đó, khiến mối liên kết, hợp tác giữa người nông dân và các đơn vị làm du lịch gặp rất nhiều khó khăn khi đưa khách đi tour trải nghiệm hoa cà phê. Mọi năm, mùa cà phê bắt đầu ra hoa là lúc vườn rẫy của người nông dân rất được du khách, nhất là khách quốc tế yêu thích tìm đến. Còn 2 - 3 năm nay, mặc dù có khách hàng đặt tour, nhưng theo ông Cơ thì không dễ dàng, thuận lợi chút nào vì những lý do trên. Hơn nữa, về chủ trương và giải pháp nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho ngành cà phê, các cơ quan chức năng chưa chú trọng đến yếu tố bền vững giúp người nông dân sống được với loại cây trồng mà họ đã lựa chọn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Yếu tố bền vững ở đây không chỉ là câu chuyện chất lượng, vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu… mà còn phải tạo ra nét khác biệt với những vùng miền khác. Chính sự khác biệt ấy là điều kiện cần thiết để hướng tới việc xác lập giá trị văn hóa cà phê trở thành sản phẩm du lịch đặc thù và có thương hiệu của Đắk Lắk. Tất nhiên để có được thương hiệu ấy, cần sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất cà phê trên địa bàn.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc