Văn tế Đình Trung: "Báu vật tinh thần" của làng Cao Lao Hạ
Cái tên làng Cao Lao Hạ xưa (nay là xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) thường gợi lên những nét hứng thú đặc biệt.
Đây là vùng đất sông núi tụ hồi với dòng sông Gianh ở phía bắc và dãy Trường Sơn ở phía nam làng. Nhìn tổng thể trên bản đồ địa lý, non nước Cao Lao Hạ bên cạnh hình sông thế núi linh thiêng còn là thế đứng bàn thạch vững chãi với dáng dấp của một mũi tên đang vút lên trời xanh. Đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với những tên tuổi như Phó bảng Tri huyện Lưu Đức Bình, Cử nhân Thượng thư Lưu Đức Xưng hay vị tướng hào kiệt Lê Mô Khải đã góp phần làm rạng danh làng quê Cao Lao Hạ trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Để đến hôm nay, khuyến học và nhân tài vẫn là ưu tiên hàng đầu của người dân Hạ Trạch.
Hiếm có ngôi làng nào ở Quảng Bình mà mối liên hệ giữa quá khứ với hiện tại trong văn hóa tâm linh lại khăng khít như ở Cao Lao Hạ. Len lỏi giữa miền quê Hạ Trạch thay da đổi thịt hôm nay luôn phảng phất nét truyền thống của ngôi làng cổ Cao Lao Hạ từ những ngày mới khai canh lập làng, từ lễ hội rước thuyền Long Châu đến lễ Thanh minh ở Cồn Cui, từ phong tục thờ cúng cộng đồng đến hệ thống 24 nhà thờ họ được xây dựng bề thế trước mặt làng. Đặc biệt, hệ thống di sản Hán Nôm hiện có ở các đình làng, nhà thờ họ hay rải rác trong nhà dân là minh chứng đậm nét cho bề dày cũng như chiều sâu nội tại của văn hóa truyền thống nơi đây. Trong đó, nổi trội hơn cả là bài văn tế Đình Trung, một di sản Hán Nôm nói về nguồn cội, về từng cá thể và quá trình khai sáng làng nước ở Cao Lao Hạ.
Theo ông Trương Quang Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán Nôm Quảng Bình, bài văn tế Đình Trung viết bằng chữ Hán Nôm được đọc mỗi dịp tế lễ ở đình làng Cao Lao Hạ là một bài văn tế “độc nhất vô nhị”, “có một không hai”. Thể theo câu chữ trong văn tế Đình Trung được chính ông Phúc dịch thì có thể xác định bài văn tế này có từ thời Lê – Trịnh (1592 – 1786). Giai điểm lịch sử này bộc lộ rõ nét nhất hiện tượng “mua quan bán tước”, “đồng bạc đâm toạc tờ giấy” hay “tiến sĩ giấy”. Làng Cao Lao Hạ cũng nằm trong vòng quay của bánh xe lịch sử đó. Trong văn tế Đình Trung chỉ rõ: “Nguyên thứ Đội trưởng Nhưng: các ngài Tri Lễ bá; Thăng Tài bá; Dụng Đức bá, Bính Lộc bá, Hoan Tài bá, Lực Tài bá, Sam Tài bá, Đột Tài bá”. “Nhưng” là một chức danh mà chế độ cho phép dùng tiền để mua, dẫu kẻ đó là thợ mộc hay đồ tể, miễn có tiền là mua được tất.
Đình Cao Lao Hạ. |
Thường trong những bài văn tế, mạch dòng xuyên suốt chỉ nêu đích danh các vị khai khẩn, hậu khai khẩn, các vị thần linh, tướng lĩnh, các khoa bảng phò dân giúp nước, công trạng đầy mình nhưng trong văn tế Đình Trung, tính bao quát và nhân văn đã vượt xa ngoài những quy chuẩn đó. Lần giở lịch sử phong kiến Việt Nam sẽ thấy, đến đời vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (1471) bắt đầu định chế ra 5 tước: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Có những vị quan hàng Bá tước nhưng chỉ được phong tước Công khi đã qua đời, ngay cả tước Hầu cũng vậy. Đến thời Lê – Trịnh thì việc phong tặng này càng khó khăn hơn đối với quan chức bởi tước Công chỉ đứng sau Chúa mà thôi nhưng khi những người này chết rồi thì khác, vua chúa không còn e ngại nữa, cứ theo đức độ và công trạng mà phong thoải mái… Tuy nhiên, theo văn tế Đình Trung, ở làng Cao Lao Hạ, có thể ngoài tước Công là do vua chúa phong, còn làng đã sẵn sàng dựa vào luật vua và hương ước để tự phong tước cho đủ mọi thành phần đã chết trong xã hội, dựa theo công lao đóng góp khi họ còn sống. Có thể thấy rõ điều đó từ văn tế Đình Trung: Nguyên Cai cơ, nguyên Cai đội, nguyên Giảng dụ quan, nguyên Đội trưởng… được làng phong tước Hầu; nguyên Câu kê, nguyên thứ Đội trưởng, nguyên thứ Đội trưởng Nhưng, nguyên Cai xã… được phong tước Bá; nguyên Tướng thần Xã trưởng… được phong tước Tử; nguyên Cai hợp, nguyên Thủ hợp, nguyên Xá sai tướng thần lại tư, nguyên thứ Đội trưởng, nguyên Đồng trưởng… được phong tước Nam. Ngay cả trẻ chăn trâu, bò hay còn gọi là mục đồng cũng được ngợi ca hết lời trong bài văn tế này. Đó là đặc tính văn hóa đẹp đẽ phát xuất từ tấm lòng vì đồng loại, đặt sự công bình lên trên những hỉ, nộ, ái, ố và tham, sân, si giữa đời.
Lời khấn sau cuối của văn tế Đình Trung toát lên sự chỉn chu, đủ đầy: “Kính mời hai hàng Bộ hạ, các cận vệ bên trái, bên phải, ở xa, ở gần, ông cầm búa sắc giữ gìn trật tự trong quân, các vị coi sóc đội ngũ ở các doanh trại: trại trước, trại sau, trại trong, trại ngoài, trại giữa… chào sau chào trước, hầu nước hầu tăm, hầu khăn hầu bát, hầu chuối hầu dâu, hầu sau hầu trước”. Những điển tích thâm thúy có giá trị cao trong định hướng, giáo dục nhân bản con người cũng có mặt trong văn tế Đình Trung: “Gà ấy là mũ văn chỉnh chệ, nghiêm túc gáy vang, canh ba nửa đêm cứu Mạnh Thường Quân thoát nạn quân Tần”; “Đồ ăn ấy là gạo Tử Lộ xa đường khôn gánh, lối Tiêu Hà nẻo ấy khôn thông, giúp quốc gia dùng bình đặng sức, luận thêm lại nên công đệ nhất”… (những điển tích Trung Hoa ca ngợi sự nghĩa khí, hiếu đễ).
Có thể nói, văn tế Đình Trung mới lạ ở cách thức trình bày nền văn hiến làng xã bằng thứ ngôn ngữ vừa bác học thuần túy lại vừa cổ ngữ, dân dã. Càng mới lạ hơn khi những nghi thức trịnh trọng, những luật lệ chuẩn tắc vốn chỉ dành cho bậc vua chúa tối thượng nhưng căn cứ vào định chế của các triều đại phong kiến cùng thời, dân làng Cao Lao Hạ bằng văn tế Đình Trung đã thoát ra khỏi những ràng buộc luật lệ để xây dựng bản sắc truyền thống riêng biệt, hấp dẫn, độc đáo. Nguyên bản văn tế Đình Trung đang được lưu giữ tại nhà thờ họ Lê Quang, luôn xứng đáng là báu vật tinh thần của người Cao Lao Hạ.
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc