Multimedia Đọc Báo in

Thăm núi Các Mác, suối Lênin

08:47, 21/05/2017

Hang Pác Bó, suối Lênin, núi Các Mác, lán Khuổi Nặm (thuộc Khu di tích lịch sử Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) là những địa danh đã đi vào lịch sử, gắn liền với quãng thời gian Bác Hồ hoạt động bí mật ở Cao Bằng thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Đến đây, ta không những hiểu thêm về cuộc đời cách mạng của Bác mà còn được chiêm ngưỡng một khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa nên thơ với núi Các Mác, suối Lênin. Một vẻ đẹp rất “sơn thủy hữu tình”.

Khu vực hang Pác Bó, suối Lênin là một hẻm núi hẹp, cây cối um tùm, xanh rì. Hẻm núi có hình chữ U do một nếp núi uốn cong tạo thành. Từ ngoài vào trong, suối Lênin nằm phía tay phải, sát ngay dưới chân núi Các Mác. Nước suối trong vắt nhìn thấy cả những viên sỏi óng ánh dưới đáy, thấy cả từng đàn cá bơi lội tung tăng gần bờ.

Suối Lênin xưa kia được người dân địa phương gọi là Khuổi Giàng, nghĩa là suối trời (theo Tiếng Tày, Nùng: khuổi nghĩa là suối, giàng nghĩa là trời). Những ngày đầu mới từ nước ngoài về Cao Bằng (tháng 1-1941), khi quyết định chọn hang Pác Bó làm nơi ở và làm việc, Bác Hồ đã đặt tên cho suối này là suối Lênin, ngọn núi bên dòng suối được Bác đặt tên là núi Các Mác. Núi Các Mác, suối Lênin, những cái tên Bác đặt thể hiện tư tưởng, đường lối cách mạng của Người: lấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam.

Suối Lênin luôn xanh trong, hiền hòa.
Suối Lênin luôn xanh trong, hiền hòa.

Suối Lênin có một màu xanh rất đặc biệt. Người dân địa phương cho biết, chỉ vào tháng 7, tháng 8, mưa lũ nhiều, nước suối mới đục và chảy xiết; những tháng còn lại nước suối luôn xanh trong, hiền hòa. Dòng suối ôm ấp trong lòng những gộp đá lớn xanh rêu, in bóng núi, bóng mây trời, bóng cây hai bên bờ nên có màu xanh thật khác lạ: chỗ thì xanh lục, chỗ lại xanh lam, xanh ngọc, xanh ngăn ngắt… Và dù là sắc xanh gì thì nước suối lúc nào cũng trong vắt, mát rượi. Thú vị nhất là thăm đầu nguồn của dòng suối. Bờ suối sát chân núi đột ngột bị cắt ngang bởi vách núi bị lõm vào một đoạn khá sâu và từ trong hõm núi một lạch nước chảy ra, len lỏi qua các gộp đá. Từ đây nước tràn ra, lan tỏa hai hướng, tạo một khoảng khá rộng và sâu như một hồ nước rồi mới thu mình lại thành con suối trôi xuôi…

Núi Các Mác vốn có tên là Phja Tào, nghĩa là Núi Đào (Phja: núi, Tào: đào). Liên quan đến tên gọi Núi Đào, có một câu chuyện mà những người già trong vùng ngày nay vẫn còn kể cho con cháu nghe. Chuyện rằng ngày xưa, vào mùa đào chín, có các nàng tiên từ trên trời xuống đây hái đào ăn. Các cô xuống suối tắm mát, vui chơi, ngắm cảnh núi rừng tươi đẹp. Đến chiều tà các nàng tiên mới rủ nhau bay về trời. Có nàng tiên Út do mải chơi nên bay về sau cùng. Vì vội vàng, nàng bỏ quên quả đào đã hái bên bờ suối. Quả đào đó hóa thành ngọn núi nên mới có tên gọi Phja Tào.

Trải qua bao năm tháng, cảnh quan khu di tích lịch sử này còn được lưu giữ khá nguyên vẹn, không thay đổi là mấy. Núi Các Mác vẫn sừng sững, uy nghiêm, soi bóng bên dòng suối Lênin trong vắt, mát lành. Hang Pác Bó như vẫn còn ấm hơi Người. Bên bờ suối vẫn còn đó những dấu xưa: hòn đá Bác vẫn ngồi câu cá sau giờ làm việc, chiếc “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”… Tất cả khiến ai đã từng một lần đặt chân đến đây đều lưu luyến mãi.

Hoàng Minh Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.