Người giữ nhịp cồng chiêng ở buôn H'đơk
Bên cạnh ngôi nhà gạch xây dựng khang trang phục vụ nhu cầu cuộc sống hiện đại là ngôi nhà sàn đã cũ theo năm tháng, trong đó chất chứa “báu vật” của gia đình cụ bà H’Ngher H’Mok (buôn H’đớk, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), với 2 bộ cồng chiêng cổ và nhiều vật dụng truyền thống của người Êđê như nồi đồng, gùi, ché...
Chúng tôi đến thăm cụ H’Ngher H’Mok vào một buổi gần trưa, dù đang tất bật với công việc nội trợ nhưng khi tôi tỏ ý muốn được chiêm ngưỡng bộ chiêng cổ và nghe kể chuyện về văn hóa, thì cụ hồ hởi đồng ý. Cụ H’Ngher đã 83 tuổi, nhưng còn khỏe mạnh, bước đi nhanh nhẹn. Cụ không biết nói tiếng phổ thông chỉ giao tiếp bằng tiếng Êđê, nhưng cụ kể chuyện một cách say mê và đôi mắt rực sáng. Người con của cụ phiên dịch câu chuyện cho chúng tôi nghe cũng hào hứng không kém.
Cụ H'Ngher H'Mok đang chỉ dẫn cách đánh chiêng cho con cháu. |
Biết đánh chiêng từ năm 18 tuổi, đến nay cụ đã có hơn 60 năm gắn bó với từng nhịp điệu của chiêng. Thông thường đánh chiêng là do người đàn ông đảm nhận, nhưng vì tiếng chiêng quá hay nên cụ thích, từ đó học hỏi và đánh chiêng trở thành một thói quen, một niềm đam mê không thể dứt. Ngoài chiêng, cụ còn biết chơi các nhạc cụ khác như Đing ktút, Đing năm...
Những lúc rảnh rỗi cụ thường đem bộ chiêng và những nhạc cụ ra lau chùi rồi đắm chìm trong nhịp điệu chiêng, gợi nhớ về những năm tháng xưa cũ, về nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Ông Y Seo Buôn Krông (Buôn trưởng buôn H’đớk) cho biết: “Hiện nay, trong buôn chỉ còn duy nhất nhà cụ H’Ngher là còn giữ được trọn vẹn bộ chiêng.
Những dịp lễ lớn như: cúng lúa, cúng Giàng, hoặc đám nhỏ như đầy tháng, đầy năm... các gia đình trong buôn đều đến nhà cụ để mượn chiêng sử dụng”. Đó cũng chính là niềm trăn trở của cụ khi văn hóa truyền thống ngày càng bị mai một. Những năm gần đây, khi đồ cổ càng có giá trị, cụ đã tích cực vận động con cháu, dòng họ và bà con trong buôn giữ lại những vật dụng của người Êđê, từ đó mới có thể lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình, đó là “báu vật” mà ông cha đã để lại.
Đồng thời, cụ sẵn lòng truyền dạy cách đánh chiêng cho con cháu và những thanh niên trong buôn có nhu cầu học. Vì theo cụ, chỉ khi biết đánh thì người dân mới có nhu cầu giữ lại chiêng, tìm hiểu về giá trị của chiêng, từ đó thêm gắn bó với truyền thống dân tộc. Ngoài việc dạy đánh cồng chiêng cụ còn dạy con cháu làm rượu cần, dệt vải...
Ông Y Poh H’Mok (buôn H’đớk) con trai cụ H’Ngher từ khi còn nhỏ đã theo mẹ học cách đánh chiêng. Đến nay, ông cũng đã trở thành một người đánh chiêng thuần thục của buôn làng và cảm thấy rất tự hào về mẹ mình, về người phụ nữ đã giúp ông phát huy được truyền thống văn hóa của dân tộc, để sau này chính ông sẽ là người truyền lại cho con cháu.
Ánh Ngọc
Ý kiến bạn đọc