Về Quy Nhơn chiêm ngưỡng tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành
Đến thăm thành phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) xinh đẹp và thơ mộng, du khách hãy đến viếng tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành.
Đây là tượng đài đầu tiên trong cả nước về Bác Hồ và thân phụ của Người và là tượng đài thứ ba về Bác thời còn trẻ (sau tượng Bác Hồ ở bến cảng Nhà Rồng – TP. Hồ Chí Minh và tượng Bác ở trường Dục Thanh - Bình Thuận).
Bình Định là một trong những nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Bác Hồ thời còn trẻ. Theo sử liệu, ngày 1-7-1909, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế bổ làm tri huyện Bình Khê. Trước khi vào nhậm chức, tháng 5-1909, cụ gửi Nguyễn Tất Thành vào Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp và văn hóa với nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (là thân sinh của bác sĩ tài danh Phạm Ngọc Thạch). Nguyễn Tất Thành ở lại đây hơn 1 năm, nhiều lần lên Bình Khê (huyện Tây Sơn bây giờ) thăm cha. Tháng 8-1910, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ biệt cha để về lại Huế trước khi vào Nam, tiếp tục hành trình tìm đường cứu nước. Đây là lần cuối cùng Người được gặp thân phụ của mình.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành. |
Mặc dù thời gian Nguyễn Tất Thành ở Bình Định chỉ hơn một năm nhưng nơi đây ghi dấu nhiều bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Người. Chính vùng đất võ với núi sông hùng vĩ, phong trào Tây Sơn hào hùng cùng tinh thần quật cường của người dân nơi đây đã góp phần hun đúc nên nhân cách, ý chí, tinh thần yêu nước thương dân của Bác. Đặc biệt, cũng chính mảnh đất này chứng kiến cuộc chia tay giữa Bác và thân phụ của Người. Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành ra đời với ý nghĩa thể hiện cuộc chia tay lịch sử này bởi mãi đến năm 1941, Bác mới về nước sau 30 năm bôn ba hải ngoại, thân phụ của Người đã qua đời.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành tọa lạc tại Quảng trường trung tâm thành phố, nằm trên đại lộ mang tên Nguyễn Tất Thành (con đường đẹp nhất Quy Nhơn), được khánh thành vào ngày 18-5-2017 trong lễ kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng đài do các nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2017), Vũ Đại Bình và Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam thực hiện. Tượng cao 10,8 m, chất liệu đồng, đặt trên bệ cao 4,7 m, chất liệu bê tông cốt thép bọc đồng, đặt trong khuôn viên rộng 3.152 m2 với các hạng mục sân vườn, đường dạo bộ, cây xanh, bồn hoa, đèn chiếu sáng…
Bố cục của tượng đài cân đối, hài hòa, giàu tính biểu đạt: Tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc đứng ở phía bắc, tượng Nguyễn Tất Thành đứng phía nam, cả hai cha con đều nhìn ra hướng biển Đông, một tay người cha chỉ ra phía trước, tay còn lại đặt nhẹ sau lưng con. Cụ Nguyễn Sinh Sắc mang phong thái của nhà nho với áo dài, khăn đóng, chân đi guốc mộc, dáng vẻ khoan thai. Nguyễn Tất Thành mang dáng dấp trí thức với quần âu, áo sơ mi tay dài đang chăm chú lắng nghe lời cha dặn, gương mặt toát lên vẻ thông minh, cương nghị. Phía sau tượng đài là bức phù điêu lớn, dài 76 m, nơi cao nhất là 14,5 m, chất liệu đá xanh, dáng vòng cung, miêu tả khái quát bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20, khắc họa nhiều hình ảnh trên hành trình vào Nam tìm đường cứu nước của Bác.
Từ khi rời Bình Định, Bác Hồ không có dịp trở lại nơi này nữa. Tuy nhiên, quãng thời gian hơn 1 năm tại đây lưu lại dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời hoạt động của Người cũng như trong lòng của nhân dân Bình Định. Tượng đài là biểu tượng đẹp về tình cha con gắn với tình yêu đất nước, đồng thời là tấm lòng biết ơn của nhân dân nơi đây giành cho vị lãnh tụ kính yêu của mình.
Về phố biển Quy Nhơn, đến trước tượng đại Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành để hiểu hơn về cuộc chia tay lịch sử giữa Bác Hồ và thân phụ, về một điểm dừng chân trên hành trình vào Nam tìm đường cứu nước của Người. Đứng trước tượng đài Bác và thân phụ, ta cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm gia đình trong tình yêu quê hương đất nước, yêu hơn lịch sử nước nhà, lòng thêm biết ơn về công lao to lớn của Bác đối với dân tộc Việt Nam.
Phạm Tuấn
Ý kiến bạn đọc