Multimedia Đọc Báo in

Vui buồn nghề hướng dẫn viên du lịch

15:22, 27/09/2017

Nghề hướng dẫn viên du lịch được khám phá nhiều nơi, tham quan nhiều thắng cảnh, ăn nhà hàng, ngủ khách sạn… nên khá hấp dẫn các bạn trẻ. Tuy nhiên, để trở thành một hướng dẫn viên chuyên nghiệp ít ai biết rằng đằng sau sự hào nhoáng ấy là nhiều nỗi vất vả khó nói hết.

Có mặt trên chuyến xe đưa đoàn khách du lịch người Nga từ tỉnh Khánh Hòa vào các điểm du lịch tại huyện Buôn Đôn, anh Nguyễn Thanh Hải, một hướng dẫn viên du lịch trải lòng: “Trước khi vào bữa ăn, chúng tôi phải vào nhà bếp để kiểm tra xem các món ăn đã chuẩn bị đầy đủ chưa. Nhiều lúc khách đông quá mình phải phụ nhà bếp bưng bê. Đôi lúc phải trông nom các em nhỏ, giúp các em có những món ăn phù hợp… Sau đó, về bàn ăn của tài xế để dùng bữa; nếu bác tài còn đợi thì ăn chung nhưng thông thường chỉ ăn một mình và phải ăn thật nhanh để kịp lên xe với khách, có lúc vội quá chỉ kịp gọi hộp cơm mang lên xe; lúc này người đã mệt nhoài nhưng vẫn ráng ăn để lấy sức làm việc…”

Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho du khách người Nga về nhà dài truyền thống  của người Êđê tại Khu Du lịch Bản Đôn, huyện Buôn Đôn.
Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho du khách người Nga về nhà dài truyền thống của người Êđê tại Khu Du lịch Bản Đôn, huyện Buôn Đôn.

Để tiết kiệm chi phí, các công ty du lịch thường để hướng dẫn viên tự tìm chỗ ngủ. Nếu may mắn có khách bỏ tour thì hướng dẫn viên được ngủ trong phòng như khách du lịch. Còn bình thường hướng dẫn viên chủ yếu ngủ nhờ trong phòng nội bộ, khu tập thể của nhân viên nhà nghỉ, khách sạn…; cũng có lúc hết chỗ thì hướng dẫn viên phải mượn chăn, mền ngủ dưới sàn… Chị Phạm Chi Mai, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm chia sẻ: “Nam giới làm nghề này đã vất vả thì phụ nữ còn vất vả hơn. Chúng tôi phải tìm những nơi thật an toàn mới dám ngả lưng. Sợ nhất là tiền mang theo để chi phí trong tour, chúng tôi phải chia nhỏ, giấu mỗi nơi một ít… nếu lỡ chẳng may bị mất thì làm cả tháng chưa đủ để bù vào. Chưa kể những lúc đang ngủ có khách đi dạo phố về khuya, gọi điện thoại rủ nhậu thì chúng tôi phải khéo léo từ chối; hoặc có khách yêu cầu sửa máy nóng, lạnh… bị hỏng đột ngột chúng tôi lại cùng với nhân viên khách sạn, nhà nghỉ lên phòng kiểm tra, sửa chữa…”

Khi đến các thắng cảnh, điểm du lịch nổi tiếng không như du khách được tham quan, vui chơi, nhiệm vụ của hướng dẫn viên du lịch là giới thiệu cho du khách về nơi đang đến. Chị Mai bày tỏ: “Nhiều khi đang thuyết minh thì khách lại mải mê chụp hình hoặc làm ồn mình nhẹ nhàng nhắc nhở; đôi lúc còn chụp hình lưu niệm giúp du khách. Thậm chí đến giờ lên xe nhiều khách còn mải khám phá, chúng tôi lại phải đi tìm khách về. Hay khi đưa khách đến bãi biển thì phải tập trung quan sát những người xuống biển bơi để kịp thời xử lý… Xong việc, chỉ muốn tu một chai nước và ngồi đấm bóp đôi chân mỏi nhừ…”

Làm nghề hướng dẫn viên du lịch chuyện đi sớm về trễ là việc thường tình. Để tiện cho công việc thường xuyên phải dậy sớm chuẩn bị đi tour, nhiều tour đến khi trả khách xong cũng đã 2 giờ sáng… nên nhiều hướng dẫn viên đang ở trọ phải tìm thuê phòng có lối đi riêng để tránh làm phiền chủ nhà. Do đặc thù công việc nên sự chia sẻ, cảm thông của người thân rất quan trọng. Anh Hải trải lòng: “Vào những ngày lễ, tết nhiều người đi chơi thì chúng tôi phải đi làm. Nhiều lần vào mồng một tết, người thân, bạn bè gọi điện hỏi thăm đành tắt máy vì có khách gọi hỗ trợ hay hỏi về một điều gì đó. Đôi khi cũng thấy chạnh lòng nhưng vì công việc phải cố gắng vượt qua. Cũng vì hay đi sớm về khuya nên chuyện bạn gái thường xuyên giận hờn xảy ra như cơm bữa vì các dịp Valentine, sinh nhật… đều vắng mặt, thậm chí còn bị bạn gái ghen vì đi tour nhiều quá… Chưa hết, nghề hướng dẫn viên mang tính thời vụ, có những tháng kiếm được cả chục triệu đồng nhưng những mùa vắng khách thì việc nằm nhà ăn mì gói là bình thường”.

Buồn vui là vậy, nhưng một khi có tour họ lại nhiệt tình, xông xáo, luôn nở nụ cười thật tươi khi thuyết minh hay khi trò chuyện cùng du khách, đặc biệt rất tự hào khi giới thiệu với khách du lịch nước ngoài những cảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Qua đó tiếp thêm ngọn lửa yêu nghề của những hướng dẫn viên du lịch.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.