Multimedia Đọc Báo in

Dấu xưa đường 9

16:12, 01/10/2017

Đường 9 nối với nước bạn Lào từ thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) qua cửa khẩu Lao Bảo ngày nay đã được mở rộng thành đường Xuyên Á.

Con đường quanh co, uốn lượn giữa điệp trùng đồi núi Tây Quảng Trị. Những địa danh khét tiếng thời chiến tranh như Đakrông, Làng Vây, Khe Sanh, Tân Lâm (Carroll)… giờ đây bạt ngàn một màu xanh đầy sức sống của cao su, cà phê, tiêu, sắn, chuối, đậu phộng…

Rẽ vào di tích lịch sử nhà tù Lao Bảo, tìm lại dấu xưa của một thời chiến tranh, loạn lạc để biết và cảm nhận được những hy sinh của lớp người đi trước. Nhà tù Lao Bảo (hay còn gọi là nhà đày Lao Bảo), thuộc khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) là một trong năm nhà tù lớn nhất Đông Dương. Nhà tù Lao Bảo được xây dựng vào năm 1908 để giam giữ  những người yêu nước chống Pháp trong các phong trào Cần Vương, Văn Thân và một số trọng phạm. Sau 1929-1930, nhà tù được mở rộng để giam thêm tù Cộng sản. Có nhiều nhà cách mạng  mà sau này trở thành những lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam như: nhà thơ Tố Hữu, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Cung, Lê Chương, Lê Thế Tiết... bị giam ở đây.         

Nhà tù Lao Bảo được chia thành năm nhà giam gọi là các “batimăng” A, B, C, D, E.  Đầu tiên nhà tù chỉ có hai dãy nhà giam gọi là lao A và lao B gồm hai dãy nhà tù cũ, bán kiên cố, làm bằng tre, gỗ, trát đất, lợp ngói, dài 15 m, cao 2 m, rộng 5 m. Tường đất kín mít, chỉ có hai cửa lớn ra vào, khi đóng cửa nhà tối đen như mực, âm u và ẩm thấp. Trong mỗi lao có hai dãy sàn cho tù nhân nằm, cuối căn có trang bị cùm lớn. Mỗi lao có thể giam giữ được 60 tù nhân. Đến năm 1934 thì có thêm hai dãy nhà mới gọi là lao C và lao D kiên cố hơn với tường bằng đá, mái lợp tôn, sàn bằng xi măng, bê tông cốt thép. Mỗi nhà lao dài 30 m, rộng 6 m giam giữ được khoảng 180 tù nhân và khu biệt giam có 13 buồng, mỗi buồng rộng 1 m, cao 2,14 m. Dưói lao C có một nhà hầm biệt giam, từ trần đến mặt đất chỉ khoảng 2 mét, tường kiên cố dày 1 m. Trong khu vực nhà đày Lao Bảo còn có phòng tra trấn, hỏi cung, nhà cai ngục, trại lính, nhà dây thép (bưu điện), xưởng mộc, xưởng thêu, xưởng rèn.

Dấu tích Nhà tù Lao Bảo.
Dấu tích Nhà tù Lao Bảo.

Đầu tiên nhập trại, tù nhân bị đưa vào lò rèn, đóng gông, xiềng, cạo đầu sau đó được đưa xuống hầm biệt giam, cùm lại. Hình thức gông cùm ở đây cũng ngặt nghèo hơn nhiều nơi. Tù nhân phải mang gông và xiềng sắt ở cổ, hai vòng sắt ở hai chân, có dây xích luồn, ngoặc vào ba còng sắt ấy. Tù nhân bị bắt khổ sai lao động đập đá mở đường 9, làm cầu cống, chặt cây, đẵn gỗ đến làm vườn trồng rau, làm thợ mộc, làm đồ mây tre, đồ thêu... Đi làm về, tù nhân bị cùm ngay. Cùm xong mới được ăn.         

Đã có hàng ngàn tù nhân bị thực dân Pháp giam giữ nơi đây từ lúc lập nhà tù Lao Bảo đến tháng 3-1945, trong đó có 350 tù chính trị bị lưu đày. Một số người đã chết vì chịu không nổi sự tra tấn và cuộc sống quá khắc nghiệt. Nhà tù Lao Bảo được ví như là “địa ngục trần gian”, một bằng chứng sống động nhất về tội ác của thực dân Pháp đối với những người đấu tranh cho độc lập ở Việt Nam vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ trước.

Đến đường 9, du khách còn có cơ hội đến thăm ngôi làng xinh xắn của người Vân Kiều với tục “đi sim” độc đáo. Làng Cát nằm dưới chân đỉnh Voi Mẹp ở Km 27 đường 9 thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Mất 15 phút đổ đường bằng xe máy hoặc non một giờ đi bộ, ta sẽ đến làng Cát. Bạn sẽ thấy mình như tan hết mệt nhọc và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình, lãng mạn như trong tranh vẽ của ngôi làng này. Một dòng suối nhỏ, nước trong vắt ngang ống chân chảy quanh co, uốn khúc ven những bờ tre, mỡ, vẩu xanh um, cao ngất ngưởng. Những thửa ruộng vàng mơ màu lúa chín. Những mái nhà sàn khang trang, xinh xắn núp mình dưới những khóm dừa, xoài, me, mít, ổi sum suê. Những cô gái Vân Kiều chăm lúa ngẩng lên cười hồn nhiên khi gặp khách xa. Tiếng gà gáy cuối thôn, đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ bên triền núi xanh mơ…

Đêm đến, ngồi quanh bếp lửa nhà sàn ấm áp, du khách được nghe già làng kể chuyện đường rừng, chuyện “đi sim”… Người Vân Kiều ở vùng núi Trường Sơn (Tây Quảng Trị) có quan niệm về tình yêu và hôn nhân rất hiện đại. Nam nữ trước khi đi đến kết hôn  phải trải qua thời gian “tìm hiểu”: người con gái mang theo chăn, gối ra ngoài chòi canh giữ rẫy, đợi chờ người mình yêu; chàng trai khi trăng vừa mọc tìm đến nơi người con gái ngủ, làm hiệu. Nếu đồng ý, cô gái sẽ mở cửa cho vào rồi hai người dắt nhau ra rừng, ra suối để tâm sự. “Đi sim” là cách đi tìm người yêu của con trai, con gái người Vân Kiều khi đến tuổi có vợ, lấy chồng. Qua những đêm trăng, họ hẹn hò nhau bên những dòng suối, khúc sông, hay ở những căn chòi giữa thiên nhiên hoang dã, thơ mộng để rồi kết đôi nên duyên vợ chồng.  Những mùa trăng lần lượt đi qua, gái trai Vân Kiều vẫn giữ tục lệ “đi sim” như một lẽ, sống tự nhiên bao đời nay.     

Giữa những câu chuyện kể, chủ nhà sẽ bày ra giữa sân nhà sàn một mâm thức ăn vừa đủ các thành viên ngà ngà và “say mồi” với thịt gà núi nướng, cá suối nướng chấm muối ớt ăn kèm măng chua, nhấm nháp vài cốc rượu  đặc sản làng Cát được ủ bằng men lá rừng rất độc đáo. 

Giã từ làng Cát, du khách ngược đường 9 lên Lao Bảo để đi chơi chợ vùng biên, và có thể quá bộ qua cửa khẩu, đến đứng cạnh dòng sông SêPôn, “bên cầu biên giới” nhìn sang đất Lào xanh xanh, trùng điệp. Bạn cũng có thể mua được rất nhiều đồ dùng nơi đây với giá rẻ nội địa từ 20% trở lên bởi có rất nhiều hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu này.

Đến Lao Bảo, bạn còn được thưởng thức “món” gió Lào nổi tiếng “nóng như rang”, cũng là một trải nghiệm đáng nhớ!

Đặng Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.