Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực làm mới du lịch Đắk Lắk

07:24, 28/11/2017

Thời gian gần đây, ngành Du lịch Đắk Lắk đã không ngừng nỗ lực để làm mới và nâng cao hình ảnh của mình nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách đến đây. Đặc biệt, từ khi Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh được kiện toàn – từ cơ cấu tổ chức, đến phương thức điều hành, chỉ đạo thì hiệu quả ngày càng rõ rệt.

Có thể kể đến một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần du lịch Đắk Lắk, Công ty Du lịch – Thương mại Đam San, Trung tâm Du lịch Bản Đôn, Công ty Du lịch Đặng Lê (Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên), Công ty TNHH Du lịch Thanh Hà – Buôn Đôn và Công ty Du lịch Đường mòn Châu Á – huyện Lắk… đã tìm tòi, đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch mới: Trải nghiệm với Văn hóa cà phê; Bảo tàng văn hóa dân gian Tây Nguyên gắn với lễ hội (tín ngưỡng, tâm linh) cổ xưa và giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm của du khách, nhất là khách quốc tế. Và mới đây, đồng hành cùng doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn, cơ quan quản lý Nhà nước về ngành kinh tế quan trọng này là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã ra mắt sản phẩm du lịch mới vào tháng 7-2017: Diễn tấu Văn hóa cồng chiêng định kỳ 2 đêm/tháng tại Biệt điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du – TP. Buôn Ma Thuột).

Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng “Âm vang đại ngàn”- sản phẩm du lịch mới đang thu hút đông đảo du khách.
Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng “Âm vang đại ngàn”- sản phẩm du lịch mới đang thu hút đông đảo du khách.

Có thể nói, nhờ những sản phẩm du lịch trên mà số lượng du khách đã tăng mạnh so với nhiều năm trước. Theo Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL), dự kiến trong năm nay, con số 700.000 lượt khách đến Đắk Lắk theo kế hoạch đề ra là hoàn toàn khả thi. Trong đó, đáng chú ý là số khách quốc tế có thể đạt hơn 60.000 lượt, cao nhất từ trước đến nay. Ông Phạm Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho rằng, với tốc độ này thì lộ trình phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 với mục tiêu đón khoảng 1,3 triệu lượt khách là trong tầm tay.

Tuy nhiên, không riêng gì ông Thanh mà nhiều người trong cuộc vẫn còn băn khoăn, phải làm sao duy trì và hoàn thiện hơn nữa các sản phẩm du lịch trên. Theo đó cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Đắk Lắk mạnh mẽ và sâu rộng hơn trên nhiều phương tiện truyền thông, cũng như tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong nước và quốc tế. Về vấn đề này, ngoài trách nhiệm của các doanh nghiệp ra, các cấp thẩm quyền của tỉnh cũng nên quan tâm tạo điều kiện về nguồn nhân lực, tài chính cho ngành Du lịch tập trung giới thiệu, quảng bá vị thế “ngành công nghiệp không khói” của Đắk Lắk một cách chuyên nghiệp, thường xuyên và có trọng tâm hơn với bạn bè gần xa.

Quan trọng hơn là cộng đồng làm du lịch ở đây phải có quyết tâm cao trong việc xây dựng và thực hiện đồng bộ Đề án Phát triển du lịch Đắk Lắk từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đấn năm 2030 đã được cấp thẩm quyền thông qua. Trong đó chính sách thu hút đầu tư phải được quan tâm hàng đầu, nhất là nguồn đầu tư của các doanh nghiệp có tiềm lực từ bên ngoài vào vùng đất này trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Có quyết tâm như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ đặt ra là xây dựng Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung trở thành 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê cho biết đã hoàn thiện hồ sơ trình các cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền để xúc tiến hoàn thành sản phẩm du lịch mới: “Đạp xe – Leo núi – Chèo thuyền” tại cụm thác Dray Sáp Thượng – Dray Nur (huyện Krông Ana). Dự kiến vào cuối năm nay sẽ đưa vào phục vụ du khách sản phẩm du lịch trên theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch Đắk Lắk. 

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.