Multimedia Đọc Báo in

Phân cấp quản lý di tích: Hiệu quả đến đâu?

17:17, 24/12/2017

Đến nay, hầu hết các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được xếp hạng trên địa bàn Đắk Lắk đã được phân cấp quản lý và bảo vệ. Tham gia vào công tác này, ngoài UBND các cấp còn có một số ban, ngành và doanh nghiệp có liên quan. Tuy nhiên, hiệu quả từ việc làm trên đến đâu vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm.

Chưa ban hành được quy chế

Muốn quản lý, bảo vệ có hiệu quả các di tích thì nhất thiết phải có quy chế cụ thể, rõ ràng của cấp có thẩm quyền. Có thể nói, câu chuyện về quy chế quản lý, bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh đã được đề cập gần ba năm qua. Song, đến nay cơ sở pháp lý này vẫn chưa được thống nhất ban hành, khiến các cấp, ngành và doanh nghiệp được giao nhiệm vụ trên gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Ông Trần Hùng – Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích tỉnh cho rằng khó khăn lớn nhất là không có kinh phí chi trả cho công tác quản lý và bảo vệ, vì thế các địa phương có sở hữu di tích phải chọn hình thức kiêm nhiệm, hoặc giao cho các tổ chức, đoàn thể đảm trách như một nhiệm vụ “bất đắc dĩ”. Từ đó dẫn đến thực trạng đáng buồn là di tích chưa được đánh giá, trân trọng đúng mức và càng không phát huy giá trị di tích để góp phần vào mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Biệt điện Bảo Đại (04 - Nguyễn Du - TP. Buôn Ma Thuột) là một trong số ít di tích được tôn tạo, khai thác phát triển du lịch.
Biệt điện Bảo Đại (04 - Nguyễn Du - TP. Buôn Ma Thuột) là một trong số ít di tích được tôn tạo, khai thác phát triển du lịch.

Ông Hùng cũng thừa nhận, sở dĩ các di tích được xếp hạng trên địa bàn Đắk Lắk chưa được khai thác, phát huy hiệu quả, một phần là do thiếu “cây gậy” pháp lý (hay nói cách khác là thiếu quy chế) dẫn dắt vốn di sản này theo đường hướng tích cực và phù hợp với xu thế hiện nay. Đó là phải đánh giá, nhìn nhận vốn di sản như một nguồn tài nguyên thật sự để có chính sách đầu tư, khai thác một cách đồng bộ và thỏa đáng. Được biết, trong số 28 di tích được xếp hạng, đến nay mới chỉ có 2 di tích (Biệt điện Bảo Đại và Nhà đày Buôn Ma Thuột) được đầu tư, tôn tạo bước đầu để đưa vào phục vụ du lịch, số còn lại đều “khoanh vùng” rồi giao cho chính quyền địa phương linh động giải quyết (!?) Với cách hành xử này - nhiều người cho rằng, dù có nỗ lực đến mấy trong việc phân cấp quản lý, bảo vệ thì số phận của các di tích ở đây không tránh khỏi tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Đầu tư không đáng kể

Cùng với khó khăn, hạn chế trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác vốn di tích hiện có để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương do thiếu khung pháp lý cần thiết, thì nguồn lực của Nhà nước dành cho lĩnh vực này còn quá “khiêm tốn” đã khiến không ít nơi rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm” trong việc quản lý, bảo vệ di tích được giao.

Ví như tại xã Cư Pui (huyện Krông Bông), di tích hang đá Đắk Tuôr đã bị xâm hại từ vài năm nay. Qua khảo sát của ngành văn hóa – thông tin huyện mới đây cho thấy tường rào bao quanh khu di tích A - nơi trú ẩn, hoạt động của Tỉnh ủy Đắk Lắk trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bị hư hỏng nặng. Tại khu B của di tích thì nhiều hạng mục như hầm, hào, hội trường, bếp ăn… đã bị san lấp để mở đường tuần tra cho Vườn quốc gia Cư Yang Sin. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, đơn vị được giao quản lý di tích cho rằng, một mình chính quyền địa phương không thể làm gì được do áp lực ngày một nặng nề, trong đó vấn đề quy hoạch, xây dựng các công trình phục vụ cho nhiều mục đích khác như lâm nghiệp, điện năng, du lịch… là thách thức không nhỏ đối với di tích.

Danh thắng thác Drai Dlông được giao cho UBND huyện Cư M'gar quản lý, bảo vệ.
Danh thắng thác Drai Dlông được giao cho UBND huyện Cư M'gar quản lý, bảo vệ.
 
 “Trên địa bàn Đắk Lắk hiện có 28 di tích được các cấp thẩm quyền xếp hạng. Đó là nguồn tài nguyên đáng kể để phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch. Trong khi chưa có điều kiện quản lý, bảo vệ và tôn tạo xứng tầm thì chính quyền địa phương cũng nên hướng đến việc làm “sổ đỏ” cho các di tích bằng công nghệ số hóa như các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai nhằm hạn chế sự xâm hại đối với di tích, ít nhất cũng về mặt hiện trạng và cảnh quan, môi trường”.
Ông Trần HùngGiám đốc Trung tâm Quản lý di tích tỉnh

Nhiều danh thắng khác như cụm thác Gia Long – Dray Nur (xã Ea Na, huyện Krông Ana), thác Drai Dlông (xã Ea M’Droh, Cư M’gar), thác Dray Kpơr (xã Cư Bông, Ea Kar), thác Thủy Tiên (xã Tam Giang, Krông Năng), thác Dray Knao (xã Krông Jing, M’Đrắk)… cũng đang bị đe dọa từng ngày do người dân chặt phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ ngày càng nhiều và phức tạp trong khu vực di tích được khoanh vùng bảo vệ.

Đặc biệt là mới đây, vào đầu tháng 11-2017, sau những đợt mưa lũ liên tục ập xuống, làm cho con suối Ea H’leo bị xé rộng khiến một phần diện tích phía sau di tích tháp Chăm Yang Prông (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. UBND xã đã có báo cáo khẩn với chính quyền huyện để tìm giải pháp khắc phục. Ông Bun Thó Lào, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, do không có kinh phí nên phải làm văn bản gửi cấp trên nhờ can thiệp. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy động thái nào từ phía các cơ quan chức năng. Theo Trung tâm Quản lý di tích tỉnh, một bờ kè chống sạt lở cho ngôi cổ tháp này là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Song, do nguồn tài trợ của Trung ương cho mục tiêu phát triển văn hóa quốc gia trên địa bàn Đắk Lắk đã bị cắt từ năm 2014, nên không thể đáp ứng được yêu cầu trên.

Tương tự, những di tích đang lâm nguy khác cũng vậy, do nguồn đầu tư không đáng kể nên công tác quản lý, bảo vệ còn gặp nhiều khó khăn, nói gì đến việc trùng tu, tôn tạo. Với thực trạng này khiến nhiều người lo ngại di tích trên địa bàn tỉnh sẽ trở thành phế tích trong tương lai không xa…

      Phương Đình

 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.