Multimedia Đọc Báo in

Say đắm với "Lễ hội hoa dã quỳ"

15:45, 16/12/2017

Là loài hoa hoang dại tượng trưng cho con người và vùng đất Tây Nguyên, mới đây lần đầu tiên hoa dã quỳ được tôn vinh bằng một lễ hội hoành tráng tại huyện Chư Pah (Gia Lai) với nhiều hoạt động sôi nổi, thú vị, thu hút hàng nghìn du khách phương xa.

Mê sắc dã quỳ đung đưa trước gió như lời “mời gọi không tên”, đầu tháng 12 năm nay, anh Nguyễn Phúc Hậu (21 tuổi, TP. Đà Nẵng) quyết định xách ba lô, vượt chặng đường hơn 500 cây số vào Gia Lai đúng dịp dã quỳ nở rộ, đón chào du khách đến với lễ hội. 

 Hoa dã quỳ  níu chân lữ khách qua đường.
Hoa dã quỳ níu chân lữ khách qua đường.

Chia sẻ cảm nhận, anh Hậu cho biết, dã quỳ ngoài đời thực không lấp lánh, kiêu sa như trong ảnh, tivi. Hoa mang vẻ đẹp mộc mạc, tinh khôi đúng chất của loài hoang dại. Chính điều này làm anh say đắm. Nhìn những vạt quỳ vàng rực rỡ nối tiếp nhau phủ khắp mọi cung đường, đồi núi, anh đã hiểu vì sao dã quỳ là biểu tượng cho con người và vùng đất Tây Nguyên. Chính loại đất đỏ bazan màu mỡ, tiết trời hanh khô cùng gió cao nguyên lồng lộng đã nuôi dưỡng dã quỳ tốt tươi, hoa to vàng rực rỡ hơn so với mọc ở vùng khác.

Đến lễ hội dã quỳ không chỉ “lữ khách đường xa” mà còn có những “đứa con đại ngàn”. Chị Nguyễn Thị Dung (Đắk Lắk) cho hay, nơi chị ở hoa dã quỳ vẫn nở, nhưng để ngắm trọn vẻ đẹp hoang dại của chúng thì phải nhìn từ trên cao xuống mới đã mắt. Ngọn núi lửa huyền thoại Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) là nơi lý tưởng nhất để thưởng thức hoa dã quỳ. Hơn nữa tại lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, phong tục của người dân bản địa như: biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, bắn nỏ, leo núi lửa Chư Đăng Ya, phục dựng 2 lễ hội cúng giọt nước và mừng lúa mới… giúp chị hiểu thêm về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Du khách leo lên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya ngắm dã quỳ.
Du khách leo lên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya ngắm dã quỳ.

Sau ba ngày diễn ra (từ ngày 1 đến ngày 3-12-2017), Lễ hội hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đăng Ya đã khép lại, mỗi người một cảm nhận riêng. Nhiều du khách mong muốn lễ hội tiếp tục được tổ chức vào mùa hoa dã quỳ, để họ  có cơ hội đến nhiều hơn với con người và vùng đất Tây Nguyên.

Dã quỳ là một loài hoa thuộc họ Cúc có nhiều tên gọi khác nhau như cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại, hướng dương dại… phân bố phổ biến ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở Tây Nguyên, hoa dã quỳ gắn liền với truyền thuyết về mối tình thủy chung son sắt của chàng trai, cô gái Ja Rai. Chuyện kể rằng, dã quỳ là hóa thân của người con gái Bờ Nga Ang xinh đẹp không may bị bắt làm nô lệ, sau đó người yêu của nàng đã băng rừng, lội suối vượt núi đi tìm và giải cứu nhưng nàng đã chết vì kiệt sức. Theo ước nguyện, chàng đã hỏa thiêu nàng rồi mang lên đỉnh núi cao nhất rải nắm tro tàn nhờ gió đưa về quê nhà. Mỗi hạt tro về với đất mẹ lại hồi sinh, nảy thành chồi non, đâm cành đơm nụ, bung hoa rực rỡ luôn hướng về phía mặt trời như đang tìm kiếm những điều tươi sáng, tốt đẹp.

Huỳnh Thủy

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.