Multimedia Đọc Báo in

Khám phá vẻ đẹp Lũng Pô

10:56, 20/01/2018

Lũng Pô, địa danh vừa xa lạ, vừa thân thuộc. Xa lạ là bởi nó gợi lên một vùng đất xa xôi nơi biên cương Tổ quốc. Quen thuộc là vì địa danh ấy đã đi vào ca khúc thấm đượm chất trữ tình “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhạc sĩ Thuận Yến.

Lũng Pô thuộc xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) ở độ cao 2.660 m, là vùng đất giáp ranh với biên giới Trung Quốc, nơi sông Hồng chảy vào đất Việt Nam, nơi cắm mốc chủ quyền của đất nước và có cột cờ Lũng Pô uy nghi, sừng sững ngời lên niềm tự hào dân tộc.

Ruộng bậc thang Lũng Pô.
Ruộng bậc thang Lũng Pô.

Vùng đất này sở hữu một vẻ đẹp hết sức tự nhiên và kỳ bí. Dù đặt chân đến Lũng Pô vào mùa nào, bạn cũng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ hết sức thơ mộng hữu tình của cảnh vật và con người nơi đây. Khi đứng trên mỏm núi cao, phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ thấy cả một không gian Lũng Pô hiện ra trước mắt với bao điều kỳ thú. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng sự giao nhau đến kỳ diệu của hai dòng sông nơi ngã ba sông, điểm mốc dòng Hồng Hà chảy vào đất Việt. Thiên nhiên như có hồn, có tính cách khi dòng Lũng Pô xanh thẳm tựa ngọc chảy lững lờ song hành chứ không chịu hòa vào dòng sông Hồng mang nặng màu đỏ phù sa. Nhìn từ trên cao, sẽ thấy rõ rệt hai dòng sông với hai màu nước khác nhau cùng đổ về xuôi. Màu sắc ấy mùa nào cũng như thế, dòng sông nào cũng giữ nét riêng của mình. Khi mặt trời lên cao, ánh nắng chiếu xuống khiến cho hai dòng sông trở nên lấp lánh đến kỳ diệu. Dòng Lũng Pô xanh màu ngọc bích, dòng sông Hồng tựa như một dải lụa màu vàng nâu mềm mại. Thú nhất là xuống tận bờ sông, vục lên mặt ngụm nước mát lành để xua tan bao bụi bặm ưu phiền.

Khung cảnh Lũng Pô hoang sơ mà trữ tình. Để đến được địa danh này, từ trung tâm xã A Mú Sung, du khách phải vượt qua quãng đường uốn lượn đẹp tựa như một nét vẽ quanh những triền núi cao ngất với những thửa ruộng bậc thang, dưới chân núi là dòng suối Mường Vi đưa nước ra sông Hồng. Lũng Pô như một lòng chảo được bao bọc bởi những dãy núi nhấp nhô, uốn lượn tựa như những bước tường thành vững chãi. Trên những triền núi là những vạt rừng xanh thẳm với bao loài gỗ quý, to và thẳng tắp. Dọc con đường đến Lũng Pô, bạn sẽ được hòa mình vào một không gian tự nhiên và lắng nghe thanh âm trong trẻo của núi rừng. Có tiếng chim hót trong những vạt cây xanh thẳm, có tiếng hoẵng gọi bầy vào mỗi buổi chiều, có tiếng suối róc rách như tiếng thì thầm dưới chân núi. Sắc màu nơi đây được tô điểm bởi màu xanh của cây lá, màu đỏ của hoa chuối rừng, màu vàng, tím, hồng của các loài hoa dây leo làm nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Cột cờ Lũng Pô, biểu tượng cho niềm tự hào thiêng liêng nơi biên cương tổ quốc.
Cột cờ Lũng Pô, biểu tượng cho niềm tự hào thiêng liêng nơi biên cương tổ quốc.

Vùng đất Lũng Pô là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình khám phá vẻ đẹp Tây Bắc vào bất kỳ mùa nào.

Vào mùa hè, Lũng Pô mát mẻ, dễ chịu. Vào mùa xuân, Lũng Pô giống như một thiên đường được tô điểm bởi những rừng mận, rừng mơ bung nở hoa trắng xóa, lan tràn khắp không gian. Đây là thời điểm tuyệt vời nhất cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp của mùa xuân nơi biên cương. Mùa đông, thời tiết tuy lạnh giá khắc nghiệt nhưng Lũng Pô vẫn toát lên vẻ đẹp riêng với những biển sương, biển mây bồng bềnh vào mỗi buổi chiều và sáng sớm.

Đến Lũng Pô, bạn còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường tựa như những chiếc hộp nằm vững chãi trên những triền núi. Du khách hãy dừng chân, nghỉ lại trong những ngôi nhà trình tường ở các bản làng của người Hà Nhì, người Mông. Con người nơi đây hiền hòa, phúc hậu, mến khách. Tại đây, bạn sẽ được chủ nhà thết đãi những món ăn bản địa như rau rừng, gà đen, thịt lợn sấy, măng rừng, xôi nếp ngũ sắc, rượu ngô…

Đến Lũng Pô, du khách hãy đến thăm cột cờ Lũng Pô mới được hoàn thành. Cột cờ cao 41 m, rộng 25 m2, tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sống ở vùng đất Lào Cai. Ngắm lá cờ Tổ quốc tung bay nơi biên cương Tổ quốc, bạn sẽ thấy nhân lên niềm tự hào dân tộc, ý thức về chủ quyền, bờ cõi thiêng liêng của đất nước.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.