Multimedia Đọc Báo in

Cần tìm slogan cho du lịch Đắk Lắk

09:46, 25/02/2018
Những năm gần đây, du lịch Đắk Lắk đã có những bước phát triển đáng kể, cả về doanh thu và chất lượng dịch vụ du lịch, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch tỉnh thời gian qua chưa gắn với một khẩu hiệu (slogan) và biểu tượng (logo) cụ thể nào nên chưa tạo được ấn tượng đối với du khách; kết quả đạt được của ngành du lịch tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch sẵn có. Trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, để thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả, thu hút sự quan tâm của khách du lịch, cần thiết phải có một slogan ấn tượng cho du lịch.
 
Có thể thấy rằng, bất cứ các quốc gia hay hẹp hơn nữa là các địa phương, vùng miền có ngành du lịch phát triển đều gắn liền với một khẩu hiệu và biểu tượng du lịch ấn tượng. Chẳng hạn, slogan du lịch ở New York (Mỹ) là “I love New York” (Tôi yêu New York); ở Hy Lạp là “You in Greece” (Bạn ở Hy Lạp) hay ở New Zealand là “100% pure New Zealand” (100% thuần khiết New Zealand)… Một số tỉnh, thành, địa phương trong nước cũng có slogan du lịch ấn tượng như: “Vibrant Ho Chi Minh city - Sức sống thành phố Hồ Chí Minh”, “Da Nang Fantasti City – Đà Nẵng, thành phố tuyệt vời”; “Cù Lao Chàm - Đảo xanh huyền thoại”; “Ninh Thuận – trải nghiệm thú vị”… Một số tỉnh cũng đã và đang tổ chức các cuộc thi tìm kiếm slogan và logo cho du lịch như: Cà Mau, Kon Tum… Các khẩu hiệu du lịch có thể tồn tại dài hay ngắn tùy thuộc vào hiệu quả và tầm ảnh hưởng của nó song không thể phủ nhận rằng một khẩu hiệu du lịch hay, ấn tượng sẽ góp phần xây dựng thương hiệu du lịch lớn mạnh; khẩu hiệu du lịch chính là công cụ thể hiện sự khác biệt hóa thương hiệu.
 
Du khách đi thuyền độc mộc tham quan hồ Lắk. Ảnh minh họa
Du khách cưỡi voi, đi thuyền độc mộc tham quan hồ Lắk. Ảnh minh họa
Việc tìm kiếm slogan cho du lịch cũng giống như việc xây dựng thương hiệu du lịch, không thể thực hiện một sớm một chiều mà phải gắn với một kế hoạch, chương trình và định hướng cụ thể; đó là một quá trình có tính hệ thống và lặp đi, lặp lại để phát triển và củng cố. Slogan du lịch không đơn thuần là một câu khẩu hiệu, mà khẩu hiệu đó phải đáp ứng các tiêu chí như: sáng tạo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, thể hiện được đặc trưng/đặc tính nổi bật, khơi gợi được cảm xúc, trí tò mò của người đọc/nghe và tạo được độ tin cậy. Slogan trong du lịch được hiểu là một thông điệp truyền tải ngắn gọn nhất đến du khách bằng từ ngữ dễ nhớ, dễ hiểu, có sức thu hút cao về ý nghĩa, âm thanh; giúp cho du khách dễ dàng nhận biết được thương hiệu du lịch này đi kèm với sản phẩm gì và chất lượng của nó ra sao. 
 
Vì vậy,  thiết nghĩ, khi xây dựng slogan cho du lịch Đắk Lắk cần phải bám sát các tiêu chí cần có của một slogan và dựa trên các giá trị và thuộc tính của thương hiệu của du lịch Việt Nam "Vietnam - Timeless Charm - Việt Nam vẻ đẹp bất tận". Đắk Lắk là một tỉnh Tây Nguyên với các sản phẩm du lịch đặc trưng như voi, cà phê, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…; là địa phương tập trung tới 44 dân tộc thiểu số với sự đan xen đa dạng bản sắc văn hóa của nhiều vùng miền… Với những lợi thế đó, Đắk Lắk dễ dàng tạo nên sự khác biệt độc đáo, khó lẫn với bất cứ địa phương nào; một thương hiệu “Du lịch Đắk Lắk” có vị thế, tầm ảnh hưởng trong tổng thể du lịch Việt Nam có lẽ không phải là điều xa vời. 
 
Phan Hiền

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.