Có những mạch nguồn vẫn chảy...
Giữa thời hiện đại, Internet phủ khắp buôn xa làng gần, đến một đứa trẻ cũng có thể lướt vù vù trên điện thoại thông minh thì sẽ thật khó khăn để người ta còn có thể bắt gặp hình ảnh già trẻ, trai gái quây quần bên nhau nghe người già kể khan trong tiếng chiêng, bên bếp lửa, trong những ngôi nhà dài...
Nhưng, nếu ai đó còn muốn nghe Khan, hãy về buôn Phơng, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar! Có thể ở đó không còn nhà dài, tiếng chiêng cũng đã dần thưa vắng, cũng gần như không còn dịp lễ nghi nào để người ta hát kể khan ngoài ma chay, cưới hỏi, nhưng có một cách mà người già ở đây đã dành cho con trẻ của mình, đó là ru chúng ngủ bằng... Khan!
Nghệ nhân Y Wang H’Wing, người nắm giữ cả pho sử thi của người Êđê ở buôn Phơng, mặc dù đã gần bước sang tuổi thất thập nhưng khi nhắc đến sử thi, ông hào hứng lắm. Ông cũng là một trong những nghệ nhân của tỉnh được vinh dự đi biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước, điều mà ông cảm thấy tự hào nhất đó là những những giá trị văn hóa của dân tộc mình được bạn bè đón nhận nồng nhiệt.
Nghệ nhân Y Wang H’Wing ở buôn Phơng, xã Ea Tul. |
Bằng chất giọng trầm ấm, nghệ nhân dẫn dắt người nghe vào những tình tiết của câu chuyện về tình bạn trong “Dăm Bhu-Dăm Bha”. Bài khan kể về tình bạn giữa Dăm Bhu và Dăm Bha trong những năm còn trai trẻ diễn ra rất tốt đẹp. Họ coi nhau như anh em một nhà, vui buồn có nhau, no đói cùng nhau chia sẻ. Nhưng rồi, Dăm Bha nghe lời của kẻ xấu nên đã phản bội lại bạn mình. Dăm Bha kéo quân đến đánh cướp buôn làng của chàng Dăm Bhu với ý đồ cướp tài sản, cướp vợ Dăm Bhu, bắt dân buôn về làm nô lệ, để trở thành người giàu mạnh nhất trong vùng. Chiến tranh kéo dài suốt ba mùa rẫy liền, cuối cùng chiến thắng thuộc về chàng Dăm Bhu. Vì chàng Dăm Bhu sống thật thà, chất phác, một lòng giúp đỡ, che chở bà con buôn làng trong những lúc khó khăn hoạn nạn nên được dân làng ủng hộ, giúp cho Dăm Bhu có thêm sức mạnh để đánh thắng kẻ thù.
Nội dung sử thi mang tính giáo dục cao về tình bạn, tình anh em, tình làng buôn; đồng thời lên án chiến tranh, lên án những kẻ chỉ biết của cải, vật chất, muốn giàu có hơn người mà bất chấp cả tình anh em, bè bạn. Vì vậy “Dăm Bhu - Dăm Bha” thường xuyên được ông kể cho người dân trong buôn và con cháu nghe.
Đặc biệt trong lần biểu diễn ở Phần Lan vào năm 2014 trong đêm giao lưu tại Lễ hội âm nhạc dân gian thế giới, trước sự say mê của du khách, các đội âm nhạc dân gian các nước bạn, ông đã hát kể khan liên tục trong 8 tiếng đồng hồ mà không cảm thấy mệt. Ông bảo, lúc đó để tránh cho người nghe cảm giác nhàm chán cũng như tạo sự cuốn hút, ông lồng ghép đan xen trong từng trường đoạn của sử thi có khi là tiếng kèn đing năm, có khi là tiếng đing tăk tà, hay là tiếng đàn môi. Từ những chất liệu dân gian, nhạc cụ truyền thống đã dẫn dắt du khách đi hết câu chuyện về tình bạn trong “Dăm Bhu-Dăm Bha”, đến những khát vọng tự do trong trường ca Đam San. Say sưa về những kỷ niệm trong chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài, ông bảo: “Đó là ông chỉ hát kể “vắn tắt”, chứ riêng Khan Đam San, hát mấy ngày mấy đêm cũng không hết!”.
Khan vốn là pho văn hóa kỳ lạ của người Êđê, nghệ nhân hát Khan càng kỳ lạ hơn ở chỗ, họ vừa kể vừa sáng tạo. Như khi kể chuyện Đam San đi săn, mỗi nghệ nhân lại kể khác nhau, tùy cách phát triển câu chuyện bằng trí tưởng tượng của mình. Cho nên bất cứ trích đoạn Khan nào khi nghệ nhân Y Wang H’Wing hát kể sẽ khác với Y Phin Niê, dù Y Phin vốn là học trò được Y Wang được truyền dạy.
Nghệ nhân Y Phin Niê chia sẻ, vốn lớn lên từ những bài khan của ông bà, nên hát kể khan như ngấm sẵn vào máu, khi gặp thầy Y Wang H’Wing, mạch nguồn ấy lại càng được khơi dậy. Có người khen ông tài năng nhưng ông bảo ông chỉ đam mê và được nghệ nhân Y Wang H’Wing giúp đỡ để biết cách nuôi dưỡng đam mê đó mà thôi. Ông nhớ lại, ngày còn nhỏ, khi còn là một đứa trẻ lên năm lên mười, trong nhà dài, bên bếp lửa, những đứa trẻ quây quần nghe ông bà kể khan cho đến khi chìm sâu vào giấc ngủ.
Khi môi trường diễn xướng đang ngày một thu hẹp dần, việc truyền dạy càng trở nên khó khăn, những nghệ nhân ở đây đã truyền dạy cho con cháu mình bằng cách hát kể cho chúng nghe hằng ngày vào mỗi tối như kể chuyện cổ tích trước khi đi ngủ. Cứ như vậy, ngày nối ngày, ước mơ của con cái, cháu chắt của họ đều được hoài thai, chắp cánh từ những mạch nguồn ấy của cha ông...
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc