Nét đẹp văn hóa lễ hội đua thuyền
09:17, 24/02/2018
Đã thành truyền thống, vào mùng 4 Tết hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Krông Ana tổ chức Giải đua thuyền truyền thống tỉnh Đắk Lắk, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới. Lễ hội đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, niềm tự hào của người dân địa phương trong những ngày đầu Xuân.
Lễ hội đua thuyền được tổ chức vào mùng 4 Tết hằng năm đã trở thành hoạt động văn hóa được người dân đón đợi. |
Mặc dù 8 giờ 30, cuộc đua mới khởi tranh, song từ sáng sớm, dòng người đã tấp nập đổ về khu vực Hồ Sen, thị trấn Buôn Trấp chờ xem các tay chèo thử sức và cổ vũ cho thuyền đua mình yêu thích, không ai muốn bỏ lỡ cơ hội được thưởng ngoạn những màn bứt phá ngoạn mục, những chiếc thuyền đua tăng tốc, phăng phăng lướt sóng về đích. Sức hút của sản phẩm du lịch đặc sắc từ lễ hội đua thuyền này ngày càng lan tỏa khi có rất đông du khách trong tỉnh đã không quản ngại đường sá xa xôi đến xem. Năm 2018 này, Lễ hội còn đón một vị khách đặc biệt, đó là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê tranh thủ ngày nghỉ Tết cũng đến cổ vũ cho các tay đua.
Giải năm nay có gần 500 tay chèo của 29 thuyền đua đến từ xã Bình Hòa và Quảng Điền tham dự. Các thuyền đua theo thể thức chia làm 8 lượt thi đấu vòng loại, lấy 2 đội nhất, nhì mỗi lượt vào thi đấu vòng 1/16. Ở vòng 1/16 các thuyền tiếp tục chia làm 4 lượt đấu, chọn hai đội đứng vị trí nhất, nhì các lượt vào vòng bán kết. Trong số 29 thuyền đua, các thuyền của xã Quảng Điền chiếm ưu thế khi có đến 16 đội, trong đó thôn 3 có đến 5 thuyền tham dự, thôn 4 có 3 thuyền.
Các thuyền đua xuất phát. |
Các chủ thuyền cho biết, để chuẩn bị cho giải, các đội đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Từ tháng Chạp, chủ thuyền tuyển chọn 15 tay chèo có sức khỏe dẻo dai, nhiều kinh nghiệm sông nước và tổ chức tập luyện nghiêm túc, bởi để có thể giành chiến thắng, ngoài yếu tố là làm quen với mặt nước thì các tay chèo cần có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Chính vì vậy 15 tay chèo phải luyện tập liên tục để vừa duy trì thể lực, vừa để mọi người có được sự kết hợp ăn ý nhất. Bên cạnh đó các chủ thuyền cũng chăm chút, trang trí cho thuyền đua của mình thật bắt mắt, rực rỡ, nổi bật để thu hút sự chú ý của khán giả và có thêm nhiều may mắn… Đối với các thuyền lần đầu dự giải thì có thời gian chuẩn bị công phu hơn. Trước ngày đua khoảng 4 tháng, các chủ thuyền đã tìm kiếm loại gỗ phù hợp như sao xanh hoặc mít rừng, xẻ đóng thuyền và hạ thủy. Từng công đoạn đều phải thực hiện chu đáo các nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh.
Khi tiếng trống khai hội vang lên, các thuyền đua theo thứ tự, bốc thăm vào từng làn, trong tiếng reo hò vang dội của khán giả, các tay chèo dốc toàn lực, đưa thuyền rẽ sóng, lao nhanh về đích. Theo quan niệm, thuyền nào về đích trước, sẽ được dự báo một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làng xóm yên bình.
Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H'Hen Niê chung vui với đội thuyền vô địch. |
Sau 14 lượt đấu sôi nổi, hào hứng quyết liệt, với những màn bứt phá ngoạn mục, có 4 thuyền lọt vào lượt trận chung kết, gồm 3 thuyền đến từ xã Bình Hòa, 1 thuyền của xã Quảng Điền. Kết quả, chức vô địch đã thuộc về thuyền đội 2, thôn 2, xã Bình Hòa, chủ thuyền Nguyễn Văn Tư; giải Nhì: đội 1, thôn 1 xã Bình Hòa, chủ thuyền Lê Lựu (ở giải đua thuyền Tết năm trước, 2 đội này cũng đã lần lượt đoạt giải vô địch và giải nhì). Giải Ba và Tư lần lượt thuộc về thuyền đội 9, thôn 1, xã Quảng Điền, chủ thuyền Nguyễn Văn Bằng và thuyền đội 1, thôn 6, xã Bình Hòa, chủ thuyền Trần Quang Ngọc.
Cuộc đua đã kết thúc, nhưng với tất cả những người tham dự đều đọng lại ấn tượng về một lễ hội mang đậm tinh thần thể thao cao thượng, ở nơi ấy tình đoàn kết, yêu thương giữa mọi người được kết nối, vun đắp bền chặt hơn.
Giải đua thuyền truyền thống được bà con quê ở Quảng Nam mang vào Krông Ana từ những ngày lập nghiệp và được lưu giữ với ý nghĩa bảo tồn nét đẹp văn hóa của quê hương, cầu cho quốc thái dân an. Đến năm 2006, Giải được nâng lên thành lễ hội văn hóa, thể thao cấp tỉnh. |
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc