Multimedia Đọc Báo in

Những người giữ gìn chữ viết dân tộc Thái

16:11, 15/02/2018

Hơn 2 năm nay, những thành viên trong Câu lạc bộ Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Thái (CLB) tại xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn miệt mài khôi phục, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình nói chung, ngôn ngữ, chữ viết của người Thái nói riêng.

Câu lạc bộ Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Thái được thành lập từ tháng 1-2016, với 16 thành viên, sinh hoạt định kỳ vào ngày 15 hằng tháng. Theo đó các thành viên trong CLB có trách nhiệm vận động bà con dân tộc thiểu số  nói chung, đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn xã nói riêng nâng cao ý thức trong việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhà ở truyền thống, các loại hình nghệ thuật… tại khu dân cư mình sinh sống. Để CLB hình thành và phát triển đến hôm nay, ngoài sự nỗ lực của tất cả các thành viên phải kể đến sự đóng góp rất lớn của 2 nghệ nhân Tống Văn Phương (trú tại thôn 1) và Tống Văn Thìn (trú tại thôn 9).

Khoảng 10 tuổi, nghệ nhân Tống Văn Phương đã theo cha mẹ vào Đắk Lắk sinh sống. Dù xa quê hơn 50 năm nay, nhưng ông vẫn luôn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Là một trong những thành viên tham gia CLB từ ngày đầu thành lập, ông cùng những nghệ nhân khác luôn đau đáu nỗi niềm giữ gìn bản sắc dân tộc Thái trên quê hương thứ hai. Ông Phương bộc bạch, trong giao tiếp hằng ngày, hầu hết người Thái ở xã Hòa Phú đều sử dụng ngôn ngữ phổ thông, song trong khi sinh hoạt ở gia đình, cộng đồng dân cư lại chủ yếu nói bằng tiếng Thái. Ý thức được điều này, bản thân ông cũng như các thành viên trong CLB luôn cố gắng tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các buổi giảng dạy ngôn ngữ, chữ viết của người Thái tổ chức hằng tuần tại nhà văn hóa thôn. Với ông, việc tham gia các hoạt động cũng như các buổi giảng dạy cũng là cơ hội để tích lũy, nâng cao vốn hiểu biết về chữ viết, tiếng nói dân tộc Thái của bản thân mình.

Nghệ nhân Tống Văn Phương và nghệ nhân Tống Văn Thìn cùng xem lại bản mẫu chữ Thái.
Nghệ nhân Tống Văn Phương và nghệ nhân Tống Văn Thìn cùng xem lại bản mẫu chữ Thái.

Còn đối với nghệ nhân Tống Văn Thìn, mặc dù đã bước sang tuổi 65, sức khỏe không được tốt, nhưng ông vẫn đều đặn mỗi tuần 3 buổi đến nhà văn hóa thôn để dạy tiếng nói và chữ viết người Thái cho bà con trong xã. Ông cho hay, theo quy chế hoạt động của CLB, hằng tuần vào các ngày thứ 2, 4 và thứ 6 các thành viên của CLB sẽ thay nhau dạy bà con học chữ. Để có giáo án lên lớp hằng tuần, ông và những nghệ nhân còn lại tự tìm tòi các loại sách dạy chữ Thái phổ biến nhất, sau đó tự soạn thảo thành một giáo án riêng để dạy sao cho bà con dễ hiểu nhất. Hằng ngày sau khi lo toan mọi việc trong gia đình, lúc nghỉ trưa hoặc sau bữa cơm gia đình, ông lại lên mạng Internet tìm kiếm tài liệu, sau đó soạn bài giảng và phô tô cho các học viên. Kinh nghiệm hơn 2 năm giảng dạy ở lớp học đặc biệt này của nghệ nhân Tống Văn Thìn cho thấy, việc dạy ngôn ngữ Thái gặp phải hai khó khăn lớn. Trước hết, đối với các cháu học sinh tiếp thu phần viết chữ tốt song do quá trình đi học sử dụng ngôn ngữ phổ thông nên khi học phần nói lại tiếp thu chậm. Ngược lại, đối với người lớn tuổi ngôn ngữ nói tiếp thu tốt nhưng ở phần chữ viết phải dạy lại nhiều lần; một phần do tuổi đã cao, cùng với quỹ thời gian eo hẹp nên một số người đi học không thường xuyên dẫn tới tình trạng học trước quên sau. Bà Lò Thị Phin (thôn 1) chia sẻ, dù tuổi cao nhưng mỗi tuần khi CLB tổ chức các buổi học chữ Thái bà đều tham gia. Bà cũng như nhiều người lớn tuổi khác, mặc dù được các nghệ nhân giảng dạy nhiệt tình nhưng bà luôn gặp khó khăn khi viết chữ. Song không vì thế mà bà nản chí, hơn 2 năm nay cứ rảnh khi nào là bà sách vở đến lớp học của CLB khi đó chỉ đơn giản vì đam mê.

Nghệ nhân Tống Văn Thìn bên bảng chữ chúc mừng năm mới bằng tiếng Thái.
Nghệ nhân Tống Văn Thìn bên bảng chữ chúc mừng năm mới bằng tiếng Thái.

 

Cộng đồng người Thái sinh sống tại xã Hòa Phú có 403 hộ, với 1.987 khẩu, tập trung chủ yếu ở các thôn 1, 4, 9 và 10.

Ngoài duy trì lớp học ngôn ngữ và chữ Thái, các thành viên, nghệ nhân trong CLB còn tích cực vận động bà con tham gia, tổ chức phục dựng các loại hình nghệ thuật dân gian của người Thái vào các ngày lễ lớn trong năm. Thế nhưng các thành viên trong CLB vẫn còn nhiều trăn trở, trước hết đó là nỗi lo những người kế tục khi các nghệ nhân già yếu. Cùng với đó mọi hoạt động của CLB là “tự thân” nên từ kinh phí in ấn tài liệu, sách vở, bảng viết tại lớp học đều do các thành viên và người dân tự bỏ ra nên chưa được đầu tư bài bản.

Có thể khẳng định, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Thái ở Hòa Phú là rất cần thiết, song để làm được điều đó đòi hỏi sự chung tay từ nhiều phía, nhất là chính quyền địa phương các cấp.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.