Multimedia Đọc Báo in

Tết cổ truyền của người Mông ở Ea Rớt

08:27, 04/02/2018

Thay vì ăn Tết theo phong tục truyền thống tùy thuộc vào mùa vụ như ở một số vùng miền núi phía Bắc, người dân tộc Mông khi di cư vào sống ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) lại tổ chức đón Tết trùng với Tết Nguyên đán.

Mỗi năm, cứ vào độ 25, 26 tháng Chạp, người Mông nơi đây bắt đầu nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết. Ông Dương Văn Thành một người dân ở Ea Rớt cho hay: “Khác với người Kinh, bánh chưng không nhất thiết có trong bữa cỗ Tết của người Mông. Tuy nhiên, trong ngày Tết nhất thiết mỗi nhà phải có một mâm bánh trắng (hay còn gọi là bánh dày) được làm từ những hạt gạo nếp nương do chính tay người Mông làm ra”.

Phụ nữ người Mông ở Ea Rớt du xuân trong những bộ váy áo rực rỡ màu sắc.
Phụ nữ người Mông ở Ea Rớt du xuân trong những bộ váy áo rực rỡ màu sắc.

Ngày 30 Tết, các gia đình trong thôn trang hoàng lại nhà cửa để chuẩn bị đón tổ tiên về. Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mồng Một mới là mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Anh Vàng Seo Sà, một người dân trong thôn cho biết, trước đây, cứ tối hoặc nửa đêm 30, người Mông cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà trống còn sống, sau đó mang đi giết thịt. Thịt xong lợn, gà thì đem nấu nướng sửa soạn một mâm cỗ cúng, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên. Tuy nhiên ngày nay, mấy nhà thường chung nhau thịt một con lợn từ 28, 29 Tết để ăn trước. Nhà nào có điều kiện thì thịt riêng một con để ăn qua tháng Giêng...

Cũng giống như người Kinh, người Mông có những điều kiêng kỵ riêng trong ngày Tết, đó là không gọi nhau vào sớm mồng Một. Trong ba ngày Tết, họ chỉ ăn thịt chứ không ăn rau với mong muốn để cả năm không phải ăn nhiều rau. Hơn nữa ăn thịt thì chăn nuôi mới thuận lợi để có thịt mà ăn.

Từ mồng Một, mồng Hai Tết, người dân trong thôn mặc quần áo mới, đi giày mới sặc sỡ sắc màu để đi chơi, đi thăm họ hàng. Người Mông ở Ea Rớt có rất nhiều trò chơi vào ngày Tết, nhưng phổ biến và được người dân yêu thích nhất là chơi cù và ném cầu lông gà. Sau khi làm lễ tiễn tổ tiên vào mồng Ba thì người lớn trẻ nhỏ nô nức đi trẩy hội, du Xuân.

Phụ nữ người Mông ở Ea Rớt tự may, thêu trang phục để mặc trong dịp Tết.  
 Phụ nữ người Mông ở Ea Rớt tự may, thêu trang phục để mặc trong dịp Tết.

Những năm gần đây, UBND xã Cư Pui đều tổ chức Lễ hội văn hóa các dân tộc phía Bắc vào ngày mồng Sáu Tết. Đây chính là sân chơi hết sức bổ ích không chỉ với người Mông mà đối với tất cả các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn. “Mặc dù di cư từ phía Bắc vào Đắk Lắk đã nhiều năm nhưng mỗi dịp Tết đến, người dân trong thôn vẫn giữ một số tập tục riêng của người Mông. Đặc biệt, khi những tập tục ấy được chính quyền và cộng đồng các dân tộc khác đón nhận, chúng tôi cảm thấy rất vui và tự hào” -  ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt bày tỏ.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.