Multimedia Đọc Báo in

Nghệ nhân - "báu vật sống" của cộng đồng (Kỳ cuối)

07:36, 03/02/2018

Kỳ cuối: Danh hiệu nghệ nhân - bao điều trăn trở

Chế độ đãi ngộ của Nhà nước dành cho nghệ nhân là hết sức cần thiết, qua đó giúp đỡ họ có cuộc sống tươm tất hơn để tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho tiến trình phát triển chung của cộng đồng, xã hội là yêu cầu đặt ra. Bởi ai cũng biết nếu như không có động thái tích cực ấy thì lớp lớp nghệ nhân sẽ sống trong nghèo khó và nhanh chóng về với “thế giới ông bà”, để lại khoảng trống văn hóa đáng lo ngại cho thế hệ tương lai.

Và sự lo ngại đó đã và đang xảy ra trên địa bàn Đắk Lắk. Mặc dầu chưa có con số thống kê chính xác, nhưng những người làm công tác văn hóa tại các địa phương cho rằng đã có hàng chục, thậm chí hơn thế số nghệ nhân nổi tiếng trong các lĩnh vực (diễn tấu cồng chiêng; chế tác nhạc cụ; trình diễn dân ca, dân vũ; dệt thổ cẩm; tạc tượng nhà mồ; thực hành các nghi lễ truyền thống) đã ra đi và vĩnh viễn mang theo vốn văn hóa quý báu của tổ tiên, ông bà để lại. Sự mất mát này trong hơn 10 năm qua - nói như nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên - Linh Nga Niê Kdăm là không gì bù đắp nổi. Trên phương diện trình diễn âm nhạc cồng chiêng, bà Linh Nga cũng như nhiều người am hiểu khác dẫn chứng: Cứ qua mỗi cuộc liên hoan hay hội diễn văn hóa - văn nghệ các dân tộc (cấp huyện, tỉnh hay quốc gia) được các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tổ chức, thì lần lượt bộc lộ “khoảng trống” đáng sợ này. Ví như năm 2007, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, nhóm nghệ nhân ở xã Đắk Rung (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông), hay nhóm nghệ nhân Ea Kpam (Cư M’gar), Akô Dhông (Buôn Ma Thuột)… diễn tấu được 6 - 7 bài chiêng cổ, thì chỉ hai năm sau, cũng tại liên hoan trên và cũng các đội chiêng ấy tham gia, nhưng chỉ diễn tấu được 2 - 3 bài. Rồi cứ thế, lần lượt sau đó giảm dần và mất hết, bởi  một số nghệ nhân đã không còn ở trên đời này nữa (!?)

Nghệ nhân Y Kút Niê (buôn Yao, xã Ea Tul, huyện Cư M'gar) truyền cảm hứng điệu kèn đing năm cho con cháu.
Nghệ nhân Y Kút Niê (buôn Yao, xã Ea Tul, huyện Cư M'gar) truyền cảm hứng điệu kèn đing năm cho con cháu.

Thêm nữa, mới đây vào đầu tháng 11-2016, những người trong Ban giám khảo Liên hoan Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số trên địa bàn  TP. Buôn Ma Thuột lần thứ 14 đã không khỏi tiếc nuối và ngậm ngùi khi thông báo: Tất cả 30 buôn, khu dân cư trên địa bàn thành phố không thể tham gia đầy đủ 30 đội chiêng và 30 tiết mục hát K’ưt (một lối hát dân ca kèm biểu diễn nhạc cụ dân tộc) như đã đăng ký trước đó, vì nhiều nghệ nhân cao tuổi đột ngột qua đời. Chia sẻ trước sự mất mát này, TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn – Trường Đại học Tây Nguyên) đã có 10 phần quà ủng hộ, hay nói đúng hơn là tri ân đối với các nghệ nhân cao tuổi tham gia liên hoan trên. Bà tâm sự rằng, rõ ràng mất cồng chiêng, hoặc “chảy máu” một giá trị văn hóa nào đó không quan trọng bằng mất nghệ nhân, mất bài bản truyền thống. Vì thế, mọi động thái của Nhà nước, cộng đồng và xã hội quan tâm đến họ là điều hết sức có ý nghĩa trong hiện tại và tương lai. 

Các nghệ nhân buôn Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) trình diễn điệu hát K'ứt của người Êđê.
Các nghệ nhân buôn Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột) trình diễn điệu hát K'ứt của người Êđê.

Đến nay, ngành văn hóa đã khảo sát và hoàn thiện hồ sơ 24 cá nhân gửi cấp thẩm quyền xem xét, công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2018 để cho họ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định số 109/2015/NĐ- CP. Động thái này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các nghệ nhân cao tuổi đang âm thầm đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Nghệ nhân hát kể sử thi M’nông Điểu Klung (buôn Tul B, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn), nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc và trình diễn văn hóa cồng chiêng Y Wanh HWing (buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) có chung nỗi niềm: Lo miếng ăn hàng ngày đã khó, còn hơi sức đâu mà để tâm đến văn hóa, di sản của ông bà. Thấy những gì đang mất mát, thậm chí lụi tàn cũng xót xa thật, nhưng gánh nặng cơm áo luôn đối mặt hàng ngày, đành “lực bất tòng tâm”. Hy vọng khoản hỗ trợ kịp thời của Nhà nước cho các nghệ nhân được công nhận danh hiệu sẽ có thêm chút thu nhập ổn định,  cải thiện đời sống để có thể chú tâm vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa của dân tộc mình cho con cháu mai sau.

Ông Lê Ngọc Quế, Trưởng Phòng Quản lý Di sản (Sở VH-TT-DL) cho rằng, mong ước trên là chính đáng và đang dần trở thành hiện thực trong năm 2018 này, giúp những nghệ nhân được lựa chọn, tôn vinh thỏa nguyện niềm mong mỏi bấy lâu nay.

Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28-10-2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn quy định: Mức trợ cấp hàng tháng từ 700.000 – 1.000.000 đồng/người; được ngân sách Nhà nước đóng Bảo hiểm Y tế và được hỗ trợ chi phí mai táng. 
 


                  Đình Đối

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.