Multimedia Đọc Báo in

Chùa Hoằng Phúc - ngôi cổ tự trên 700 năm tuổi ở Quảng Bình

09:15, 17/03/2018
Chùa Hoằng Phúc tọa lạc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở miền Trung.
 
Năm 1301, cách đây hơn 700 năm, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến ngôi chùa này để viếng thăm và làm lễ phật cầu an cho thần dân, thiên hạ. Ngôi cổ tự này còn có những tên gọi khác như Am Tri Kiến, chùa Kính Thiên, chùa Trạm hay chùa Quan...

Theo sách “Ô Châu cận lục”, một trong những cuốn địa chí sớm nhất của nước ta viết về vùng đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam ra đời năm 1553 của Dương Văn An, thì chùa Hoằng Phúc “Ở gần trạm Bình Giang, huyện Lệ Thủy, nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. Hẳn nhiên là một ngôi chùa u tịch, một cõi thần tiên vậy. Nhà cửa, thôn xóm chẳng xa nhưng tuyệt nhiên không nghe tiếng gà gáy, chó sủa. Thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình vậy. Chùa có đại hồng chung nặng ngàn cân, có Tăng quan (vị sư được nhà vua phong cho một chức để trông coi trong Tăng giới) và người quét dọn, bốn mùa phụng thờ. Nay hoa rụng, chim kêu, chỉ còn trơ lại nền mà thôi”.

Liên tiếp các thời kỳ sau đó, chùa Hoằng Phúc tiếp tục được các học giả đương thời miêu tả cũng như ghi chép lại khá đầy đủ và tỉ mỉ trong các bộ sử của mình về những lần tu bổ chùa và thời điểm các vị vua, chúa nhà Nguyễn đến viếng thăm chùa; như các sách: “Đại Nam nhất thống chí”, “Đồng Khánh dư địa chí”, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, hay quyển địa phương chí: “Quảng Bình thắng tích lục” của Trần Kinh và Nguyễn Kim Chi biên soạn... 

Rễ cây  cổ thụ vây quấn trên cổng tam quan chùa cổ Hoằng Phúc.
Rễ cây cổ thụ vây quấn trên cổng tam quan chùa cổ Hoằng Phúc.

Năm 1609, chúa Nguyễn Hoàng cho dựng lại chùa Kính Thiên trên nền cũ. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm chùa, cho tu sửa lại, ngự đề hai bức hoành biểu “Kính Thiên tự” và “Vô song phúc địa” (Đất phúc khôn sánh). Năm 1821, vua Minh Mạng ghé thăm chùa, đổi tên chùa thành “Hoằng Phúc tự”. Năm 1823, vua ban 100 lạng bạc để tu sửa lại chùa. Năm 1826, vua lại ban tiếp 150 lạng bạc để tu sửa thêm. Năm 1842, vua Thiệu Trị ngự giá Bắc tuần, tháp tùng có ông hoàng thi ca Đức ông Tùng Thiện Quận vương, đến thăm chùa Hoằng Phúc, cấp 300 lạng bạc để trùng tu và có đề thơ, sau đó được khắc trên biển đồng treo ở trong chùa: “Náo thị kiến thiền quan, động trung năng tĩnh/Vi trần minh tự tánh, hữu bổn tông vô”.

(Dựng cửa thiền nơi chợ náo, động kia là tĩnh/Rõ tự tánh của bụi trần, có vốn là không).

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, đỉnh điểm năm 1972, khi Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, chùa Hoằng Phúc nằm trong vùng hứng chịu bom đạn nên bị hư hỏng nặng nề. Sau chiến tranh, chùa cổ Hoằng Phúc được dân làng và chức sắc dựng tạm lên để hương khói, thờ phụng và quan trọng nhất là không đánh mất những dấu tích còn lại thuộc về ngôi chùa cổ u tịch và trầm mặc năm xưa, đó là nền móng, bức tường rêu phong phía trước chùa, những cây si, cây bồ đề già nua cùng cổng tam quan với chằng chịt rễ cây cổ thụ quấn quanh thân mình.

Tại nơi chốn tạm bợ và đổ nát này, các bức tượng điêu khắc tinh xảo có niên đại hàng trăm năm tuổi bằng chất liệu đồng, gỗ... như tượng Phật Bà Quan Âm, tượng Bồ tát Địa Tạng, tượng Hộ Pháp, tượng Quan Công đã được nhà chùa bảo vệ nguyên vẹn và bài trí tôn nghiêm. Càng quý giá hơn khi chùa Hoằng Phúc còn sở hữu quả chuông Đại hồng chung cổ, trên chuông có khắc dòng chữ Hán “Hoằng Phúc bảo chung” và dòng chữ “Năm Minh Mạng thứ 20 (1839)”. Chuông chùa Hoằng Phúc, tiếng chuông chùa phúng dụ bất chấp bao đổi thay của thời cuộc suốt hàng trăm năm nay vẫn không ngừng ngân vang thân thuộc, xuất hiện cả trong ca dao và vọng mãi đến ngày nay mang theo khát vọng yên bình của người dân: “Tạnh trời chuông Trạm ngân xa/Ngân vào Hồ Xá, ngân qua Truông Hồ”, hay: “Tạnh trời chuông Trạm kêu xa/Anh ơi, em gửi mẹ già cho anh”…

Chùa Hoằng Phúc đồng hành với lịch sử quê hương, dân tộc hơn 700 năm nay và luôn là điểm đến tâm linh của người dân và các phật tử xa gần. Năm 2015, ngôi chùa mới trên nền kiến trúc cũ nguy nga, tráng lệ và hết sức trang nghiêm được khánh hạ. Chùa Hoằng Phúc một lần nữa được nhân dân, phật tử và du khách thập phương biết đến không chỉ với vẻ ngoài uy nghi mà còn xứng đáng là địa chỉ hành hương gắn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc nơi vùng đất Lệ Thủy “địa linh nhân kiệt”.

Nguyễn Tiến Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.