Multimedia Đọc Báo in

Để du lịch thác Krông K'mar thu hút du khách hơn

09:52, 16/03/2018

Thác Krông K’mar (huyện Krông Bông) từ lâu đã là một điểm du lịch khá nổi tiếng của tỉnh. Tôi đã đến thăm điểm du lịch này nhiều lần, lần gần nhất cách đây đã 5 năm và vẫn còn lưu giữ nhiều ấn tượng đẹp về phong cảnh thiên thiên ở đây. Vì vậy, vừa qua nhân có người bạn từ Hà Nội vào thăm Đắk Lắk, tôi đã dẫn bạn đến Krông K’mar. Lần trở lại này cho tôi nhiều ấn tượng đẹp hơn, nhưng đồng thời vẫn chưa hết điều buồn...

Krông K’mar là ngọn thác bắt nguồn từ “mái nhà Tây Nguyên” Chư Yang Sin, dãy núi cao nhất vùng Nam Tây Nguyên (cao 2.442 m). Chư Yang Sin cũng là Vườn Quốc gia rộng tới 59.000 ha, có tính đa dạng sinh học cao (867 loài thực vật, 203 loài chim, 46 loài thú), trong đó có nhiều loài đặc hữu mà nơi khác không có. Trước đây, khi chưa xây dựng Thủy điện Krông K’mar (năm 2005, công suất 12 MW), những ngày đẹp trời, từ xa mọi người có thể thấy dòng thác Krông K’mar từ trên sườn cao của dãy Chư Yang Sin đổ xuống trắng xóa, được ví như Ngọc Hoàng thả xuống tấm lụa trắng bên sườn Chư Yang Sin xanh biếc.

Một đoạn thác Krông K'mar, huyện  Krông Bông.
Một đoạn thác Krông K'mar, huyện Krông Bông.

Sau khi Thủy điện Krông K’mar được xây dựng, “dải lụa trắng” kia đã không còn nữa nhưng thác Krông K’mar vẫn còn lại suối và đá với đủ hình thù, hòn như voi nằm, hòn như hổ phục, hòn như thiếu nữ nằm thư giãn... vẫn đủ để du khách ngây ngất, đứng ngắm mãi không chán. Mùa mưa dòng nước chảy vòng vèo, uốn lượn qua từng hòn đá lớn, có chỗ dòng nước bị đá chắn hất tung lên, tạo thành những quạt nước trắng như để quạt mát cho cả mặt sông và hai bên bờ. Mùa khô, dòng nước luồn lách dịu dàng và tụ thành những hồ nước nhỏ trong xanh mát lành, ai thấy cũng muốn nhảy ùa xuống vẫy vùng cho thỏa thích. Bên bờ Krông K’mar là dãy Chư Yang Sin xanh biếc vào mùa mưa. Vào mùa khô - mùa của nhiều loài cây rừng thay lá thì sườn núi Chư Yang Sin lại hóa thành một bức tranh khổng lồ đa sắc với nhiều gam màu xanh, đỏ, vàng, lam... pha trộn. Nếu du khách không có điều kiện để vào rừng Chư Yang Sin ngắm hoa đỗ quyên, nghe khướu đen và họa mi Núi Bà khoe giọng, xem những cây du sam, pơ mu khổng lồ ... thì chỉ cần đứng bên dòng Krông K’mar ngắm bức tranh màu lá, ngắm những tảng đá hình thù vui nhộn, lạ mắt, hít thở không khí trong lành và nghe ngọn gió mát rượi mơn man trên làn da cũng đủ để thấy khoan khoái đến mức... “đã đời”. Đấy là những ấn tượng mà ai từng đến Krông K’mar khó có thể quên.

Lần trở lại Krông K’mar này, tôi thấy con đường từ thị trấn huyện Krông Bông vào thác (khoảng 2 km) đã được mở ra rộng rãi, láng nhựa phẳng lì. Con đường đất ngày trước đầy “ổ trâu”, “ổ bò” đã không còn nữa, xe chạy êm ru. Những mảng rừng lở lói, nham nhở đất đá do đào kênh dẫn nước phục vụ Thủy điện Krông K’ma bên sườn Chư Yang Sin theo thời gian đã được phủ xanh, mắt nhìn đã tươi mát trở lại. Tây Nguyên đang mùa khô nên dòng Krông K’mar chỉ chảy dịu dàng, có chút thiệt thòi cho du khách không được ngắm những “quạt nước” xòe ra lạ mắt, nhưng bù lại du khách được ngắm trọn vẹn những dáng đá muôn hình muôn vẻ. Từng nhóm du khách trải bạt ngồi trên các tảng đá, dưới các tán cây xanh như chiếc ô lớn xòe trên đầu ngay bên dòng Krông K’mar, rồi hô nhau cụng lon, rồi hát rộn vang cả cánh rừng. Nhìn nét mặt ai cũng hồ hởi, vui tươi, thể hiện tâm trạng của họ đang rất thoải mái.

Vẻ đẹp của điểm du lịch thác Krông K’mar, huyện Krông Bông.
Vẻ đẹp của điểm du lịch thác Krông K’mar, huyện Krông Bông.

 

Các sản phẩm ẩm thực phục vụ du khách vẫn rất nghèo nàn, hầu như không có gì đáng kể. Khách đến đây chủ yếu phải mang theo đồ ăn, thức uống. Nhiều nhóm du khách tự nhóm lửa, đun nấu, nướng thịt, việc này cũng có cái thú riêng nhưng cũng thật nhiều bất tiện và không hề an toàn cho rừng nếu du khách lơ đễnh đun nấu xong không dập tắt lửa trước khi ra về.

Tôi hỏi một người tên Y Sang, từ xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn), rằng đến đây anh thấy thế nào? Y Sang chia sẻ: “Ở Buôn Đôn mình nóng lắm, đến đây mát thế này thì thích lắm. Đấy anh xem, con nít, phụ nữ nhà mình ai cũng vui, cũng cười, cũng đều thích cả. Ai cũng nói lần sau đi chơi lại đến đây nữa”. Lại hỏi anh: “Điều chưa thích ở điểm du lịch này là gì?” Y Sang trả lời ngay mà không cần phải suy nghĩ: “Còn rác nhiều quá. Du khách ăn nhậu xả ra rất nhiều rác mà chẳng thấy người ta đặt cái thùng đựng rác nào cho du khách bỏ vào. Đó anh xem, du khách xả rác ra hôm trước mà vẫn còn nguyên tới hôm nay, không ai dọn, có chỗ ruồi nhặng bay vù vù”...

Đúng như lời Y Sang nói, dường như Ban Quản lý điểm du lịch này chưa làm tốt công tác đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch mới thực sự hấp dẫn. Đường đi bên thác lên phía thượng nguồn vẫn còn nhiều chỗ quá chênh vênh, người cao tuổi, trẻ em đi lại rất khó khăn; tại sao lại không xây bậc để đi lại được thuận tiện? Du khách muốn tìm một mặt bằng rộng khoảng 5 - 6 m2 ở bên thác để cả nhóm cùng ngồi ăn uống, vui chơi cũng rất khó. Sao Ban Quản lý không chọn một số điểm, rồi láng xi măng cho bằng phẳng để du khách tiện sử dụng? Có những du khách muốn khám phá sự đa dạng sinh học ở đây, nhưng không có ai hướng dẫn; sao Ban Quản lý không phối hợp với Vườn Quốc gia Chư Yang Sin để làm việc này?

Nếu khắc phục được những hạn chế nêu trên chắc chắn điểm du lịch Krông K’mar sẽ thu hút được đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh và cả khách quốc tế.

                              Đặng Bá Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Thư kêu gọi ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vừa có Thư kêu gọi toàn thể Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ, chia sẻ với nhân dân các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão, lũ gây ra.