Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa niềm vui từ Ngày hội văn hóa - Thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột

09:28, 12/03/2018

Ngày hội Văn hóa - Thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lần thứ X vừa diễn ra sôi nổi với những nội dung thi hấp dẫn, cách thể hiện độc đáo, thu  hút sự tham gia tích cực, hào hứng của bà con các buôn làng.

Cũng như các đội thi khác, đội chiêng nữ của dân tộc Mường (thôn 3, xã Hòa Thắng) tham gia ngày hội với quyết tâm đạt thành tích cao nên ngay từ những ngày cuối năm 2017, dù phải tất bật chuẩn bị cho lễ Hạ nêu, một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Mường, nhưng các thành viên của đội chiêng vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để tập luyện. Bà Nguyễn Thị Hằng, một thành viên của đội chiêng cho biết: Ban ngày, mọi người khá bận rộn với công việc đồng áng, nên tối đến đội mới có thể tập hợp lại tại nhà văn hóa thôn để tập luyện. Đây là dịp để các dân tộc thiểu số tranh tài, thi đua, giao lưu nên các thành viên đều tập luyện với tinh thần hăng say và quyết tâm cao. Tại ngày hội, sự chỉn chu trong trang phục, tài năng đánh chiêng của đội chiêng nữ người Mường đã đem lại cho người xem nhiều cảm xúc khó quên.

Các  nghệ nhân tham gia phần thi đan lát truyền thống.
Các nghệ nhân tham gia phần thi đan lát truyền thống.

Đây là lần đầu tiên, nghệ nhân Y Wan Byă (buôn Ea Bông, xã Cư Êbur) đại diện cho người dân trong buôn đi thi nên trước đó ông đã tạm gác công việc nương rẫy bận bịu trong mùa tưới cà phê để chuẩn bị. Đan gùi, một vật dụng quen thuộc trong sinh hoạt của người Êđê không phải là việc khó, nhưng để có một chiếc gùi đẹp và bền ông phải tỉ mẩn nhiều ngày chuẩn bị vật liệu làm từ thân tre già, được chẻ đúng độ dày và phơi đủ độ nắng. Bởi đối với ông, đến với ngày hội này không chỉ là để thi thố tài năng mà quan trọng là để giới thiệu về nghề truyền thống của dân tộc mình, được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với những nghệ nhân khác...

Thi ẩm thực là một nội dung khá hấp dẫn tại ngày hội. Tuy chỉ là những món ăn dân dã, quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của người Êđê, nhưng những lời mời chào độc đáo của các đội thi đã tạo được sự chú ý đặc biệt cho du khách như: “Với những ai say mê, yêu thích những món ăn được chế biến từ trứng kiến vàng của người Êđê thì hãy lên Tây Nguyên vào tháng Ba nhé”, hay “Những ngày nắng nóng như thế này chỉ cần có 1 tô canh chua thì thật là tuyệt, mà chỉ cần cá lóc đồng với trứng kiến vàng”. Quả thật, nguyên liệu chiếm ưu thế được người Êđê dùng để chế biến món ăn trong ngày hội lần này là trứng kiến vàng. Theo chủ nhân của những món đặc sản này, tháng Ba không chỉ là tháng con ong tìm hoa lấy mật mà còn là tháng của trứng kiến vàng, đây là tháng duy nhất trong năm mà những tổ kiến vàng sẽ  tạo ra được những quả trứng to, đẹp và giàu dinh dưỡng nhất.

Phụ nữ người Tày (buôn Cao Thắng, xã Ea Kao) trong phần thi ẩm thực.
Phụ nữ người Tày (buôn Cao Thắng, xã Ea Kao) trong phần thi ẩm thực.

 

 

“Khác với mọi năm, năm nay Ban tổ chức chọn ra 10 đội xuất sắc nhất ở cụm thi cơ sở để tham gia ngày hội cấp thành phố diễn ra tại buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) vào ngày 10-3, các sản phẩm đan lát và thổ cẩm truyền thống của các nghệ nhân tham gia sẽ được trưng bày tại đây để tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch”. 

 
 
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột, Trưởng Ban tổ chức ngày hội Vũ Văn Hưng

Để có được món Khẩu Nhục đúng chất của người Tày để giới thiệu với các đội bạn cũng như du khách, cách đây một tháng bà Nông Thị Thào (thôn Cao Thắng, xã Ea Kao) đã phải gọi điện nhờ người thân ở Cao Bằng gửi nước tương với công thức chế biến riêng của người Tày. Bởi theo bà, chính loại nước tương này sẽ tạo nên hương vị đặc trưng riêng cho món Khẩu Nhục, một món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết của người Mường.

Trong phần thi dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê, có một thí sinh nam duy nhất, cũng là người trẻ nhất (24 tuổi) đã tạo sự ngạc nhiên, thú vị cho nhiều người. Đó là anh Y Dhông Byă (buôn Ky, phường Thành Nhất). Y Dhông tâm sự rằng từ nhỏ anh đã được xem, sau đó phụ bà mình dệt thổ cẩm, đến năm 15 tuổi anh đã biết tự dệt sản phẩm này. Hiện khá bận rộn với công việc nương rẫy và đi làm thêm để phụ giúp gia đình nên Y Dhông chỉ có thể tranh thủ những lúc nhàn rỗi ngồi dệt. Đến với ngày hội lần này, anh đã dành thời gian chuẩn bị khung dệt, xếp sợi để dệt tấm vải thổ cẩm dài 1,8 mét …

Tất cả mọi người khi đến với ngày hội đã hòa chung niềm vui giao lưu học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết của các dân tộc. Anh Y Dhin Byă (buôn K’Dun, xã Cư Êbur) xúc động: Bà con chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi ngày hội được tổ chức tại buôn làng của mình, vì đã góp phần giữ gìn và giới thiệu nét đẹp văn hóa của các dân tộc, cũng là dịp để chúng tôi truyền dạy cho các thế hệ con cháu về nghề truyền thống của dân tộc mình.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.