Đội chiêng ba thế hệ ở Hòa Thắng
Ở thôn 1, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), có một đội chiêng Mường gồm ba thế hệ đang nỗ lực gìn giữ lưu truyền tiếng cồng chiêng của dân tộc mình được vang xa.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa (63 tuổi), Đội trưởng đội cồng chiêng thôn 1 cho biết, đối với người Mường, cồng chiêng có ý nghĩa rất quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, gắn bó mật thiết với đời sống của người Mường từ khi sinh ra cho đến khi trở về với cõi vĩnh hằng. Đặc biệt, nếu đối với đồng bào các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên, người đánh cồng chiêng chủ yếu là nam giới thì với đồng bào Mường lại là nữ giới. Bởi vậy, đã từ rất lâu, chị em trong thôn luôn mong muốn gìn giữ, để tiếng cồng chiêng được ngân vang mãi ở mảnh đất này.
Các thành viên của đội chiêng Mường thôn 1 (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột). |
Và đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp lễ hội hay ngày nghỉ, cuối tuần, chị em trong thôn lại cùng ngồi lại để trò chuyện, sinh hoạt văn nghệ. Có nhiều người lúc đầu không biết đánh chiêng, thế nhưng thanh âm trầm bổng của tiếng cồng chiêng trong các lễ hội đã làm họ mê đắm, quyết tâm đi học cách đánh chiêng. Còn những em nhỏ, cũng vì đam mê tiếng chiêng nên chịu khó đi theo các mẹ để học. Cứ thế, những người có kinh nghiệm truyền lại cách đánh chiêng cho những thế hệ sau, người lớn truyền người nhỏ… dần dần trong thôn nhiều người đã biết đánh cồng chiêng và lập nên một đội chiêng hơn 20 người. Người lớn tuổi nhất năm nay đã 63 tuổi, còn người nhỏ tuổi nhất chỉ mới 14 tuổi. Hai em Nguyễn Ngọc Yến Nhi và Bùi Hoàng Tố Như là hai thành viên nhỏ tuổi nhất của đội chiêng Mường thôn 1. Tuy chỉ mới được các bà, các mẹ truyền dạy đánh chiêng trong khoảng một tháng, thế nhưng đến nay hai em đã có thể đánh được 2 bài chiêng “Mừng mùa” (mừng lúa mới) và “Chào mừng lễ hội” (hội Mường luông) một cách nhuần nhuyễn và nhanh chóng gia nhập đội chiêng.
Không chỉ sinh hoạt trong thôn, đội chiêng thôn 1 còn tham gia giao lưu, diễn tấu cồng chiêng cùng những thôn buôn khác trên địa bàn tỉnh. Mới đây nhất, đội chiêng Mường thôn 1 đã tham gia thi diễn tấu cồng chiêng trong ngày hội Văn hóa - Thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột. Em Tố Như tâm sự, em rất tự hào vì được cùng các bà, các mẹ trong đội chiêng đi tham gia thi diễn tấu cồng chiêng, em mong muốn sau này sẽ có thể đánh được nhiều bài chiêng và giới thiệu cho mọi người cùng biết.
Mặc dù thường ngày ai cũng bận rộn với công việc gia đình, nhưng cố gắng thu xếp để tham gia sinh hoạt đội chiêng. Họ học đánh chiêng để nhớ về cội nguồn dân tộc, cùng nhau hát những làn điệu dân ca để giải tỏa căng thẳng sau những giờ lao động mệt mỏi, để tiếng cồng chiêng cùng những làn điệu dân ca mượt mà lại được vang lên ở mảnh đất Đắk Lắk – quê hương thứ hai của họ. Tuy vậy, theo lời bà Hòa, hiện tại thôn 1 vẫn không có một bộ chiêng chính thức. Mỗi lần tập hay có lễ hội là phải đi mượn ở các thôn khác, chủ yếu các chị em truyền tai nhau về lý thuyết nên rất khó khăn trong việc truyền dạy chiêng cho những thế hệ sau này. Bà cũng như các chị em trong thôn mong muốn có một bộ chiêng riêng của thôn để dễ dàng hơn trong việc tập luyện và sinh hoạt cộng đồng.
Diệu Huyền
Ý kiến bạn đọc