Multimedia Đọc Báo in

Kỳ bí Xuân Sơn

08:18, 04/03/2018

Rừng quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) là “lá phổi xanh”, điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình du lịch sinh thái vùng Tây Bắc. Đến đây, bạn sẽ được khám phá bao điều kỳ bí còn ẩn chứa sâu trong lòng những dãy núi cao ngất trời và những vạt rừng xanh thẳm…

Bước chân vào khu rừng Xuân Sơn, bạn sẽ được hòa mình vào không gian đặc biệt, chứa đựng biết bao điều kỳ bí và hấp dẫn. Nhìn từ xa, Xuân Sơn hiện lên như một bức tranh núi rừng mang đậm sắc màu huyền ảo và hoang sơ. Những triền núi cao nhấp nhô tạo thành một dải núi bao bọc lấy những bản làng của người Mường, người Dao. Bốn mùa, cả khu rừng lúc nào cũng có mây trắng bao phủ. Những làn mây mềm mại như dải lụa vắt ngang những triền núi khiến cho không gian ở đây dịu nhẹ, tinh khiết và ngưng đọng đến huyền ảo.

Cảnh sắc ở rừng Xuân Sơn có sự hòa phối bởi nhiều vẻ đẹp tự nhiên. Hai bên con đường đi vào cửa rừng là những vạt cỏ xanh thẳm tựa như tấm thảm trải dài, những khóm hoa trạng nguyên cứ thu về lại trổ hoa rực rỡ cho đến tận cuối đông khiến không gian trở nên ấm áp lạ thường. Bên dưới chân rừng là những con suối chảy róc rách đưa nước từ sâu trong rừng ra những cánh đồng. Nước ở đây trong vắt, tinh khiết, vào mùa hè, người Mường thường ra những con suối ở cửa rừng để tắm mát. Du khách sau khi khám phá khu rừng, có thể đắm mình trong làn nước mát sảng khoái.

Cây cầu nhỏ xinh dẫn vào rừng vắt ngang qua dòng suối.
Cây cầu nhỏ xinh dẫn vào rừng vắt ngang qua dòng suối.

Núi rừng Xuân Sơn có nhiều âm thanh hòa nhịp hết sức sôi động. Đó là tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót, tiếng hoẵng gọi bầy, tiếng gà rừng gáy trên đỉnh núi và muôn loài ong mùa nào cũng rì rào đi tìm mật hoa… Bản nhạc của núi rừng nơi đây khiến cho du khách trong giây lát đã quên hết ưu phiền và mệt nhọc để có những giây phút sống chậm, thư thái với thiên nhiên.

Nếu muốn khám phá rừng Xuân Sơn, bạn nên chọn cách đi bộ để vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên, vừa khám phá sự kỳ bí của khu rừng này. Khi đi bộ, du khách sẽ qua những con đường mòn nhỏ xinh xuyên ngang qua khu rừng, có đoạn sẽ qua chiếc cầu gỗ nhỏ, soi mình xuống dòng suối trong vắt, đoạn lại lội qua nước suối tràn qua đường mát lịm. Nước ở đây hoàn toàn là nước mạch chảy từ trong rừng sâu ra. Lần lượt, bạn sẽ được khám phá các ngọn núi như núi Voi, núi Ten, núi Cẩn với hàng trăm hang động trong lòng núi. Khi khám phá các hang động, du khách sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ thú của những nhũ đá tích tụ từ bao đời nay bởi những dòng nước chảy từ trên cao xuống.

Vẻ đẹp bồng bềnh, hư ảo của rừng Xuân Sơn.
Vẻ đẹp bồng bềnh, hư ảo của rừng Xuân Sơn.

Rừng Xuân Sơn sở hữu muôn loài thực vật, trong đó kỳ thú nhất là những cây cổ thụ có niên đại hàng trăm năm tuổi, thân cao, to sừng sững, có cây phải 2-3 người ôm mới hết vòng. Nhiều nhất vẫn là các loài cây gỗ quý như táu, chò, kim giao, dổi, nghiến. Điểm xuyết trong đó là những cây dây leo chằng chịt cả khu rừng, là rừng nứa, rừng vầu mọc chi chít tạo nên vẻ hoang sơ, rậm rạp. Cả bốn mùa, rừng Xuân Sơn như một vườn hoa đẹp và hữu tình bởi sự góp mặt của các loài hoa tự nhiên như hoa ban, hoa dây leo, hoa chuối rừng, hoa chôm chôm rừng… Mỗi loài hoa đều phô diễn vẻ đẹp riêng, tỏa hương thơm ngát khắp không gian.

Càng đi sâu vào rừng, bạn sẽ có cơ hội bắt gặp các loài động vật quý hiếm sinh sống nơi đây. Dọc đường đi, dễ dàng thấy những đàn gà rừng đuôi dài, lông mượt đậu vắt vẻo trên bụi nứa hoặc rủ nhau xuống suối uống nước. Những loài động vật được ghi trong sách đỏ cũng là sở hữu của rừng Xuân Sơn như voọc xám, vượn chó, cầy bạc má, sóc bụng đỏ đuôi trắng, gấu, báo, gà lôi, gà tiền, đại bàng đất… Muốn thấy các loài vật này, bạn phải kiên trì khám phá trong nhiều ngày mới có hy vọng chiêm ngưỡng chúng. Đặc biệt, tại bản Cỏi, bản nhỏ dưới chân rừng Xuân Sơn, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng giống gà chín cựa được đồng bào Mường nuôi ở đây từ lâu đời. Đây là loài gà thiêng đã đi vào trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh.

Nhìn từ xa, rừng Xuân Sơn được bao bọc bởi biển mây.
Nhìn từ xa, rừng Xuân Sơn được bao bọc bởi biển mây.

Đến Xuân Sơn, bạn còn có cơ hội khám phá cuộc sống của người dân tộc bản địa. Xung quanh những triền núi cao ngất trời là những bản làng của người Mường, người Dao định cư từ bao đời nay. Dừng chân ở những bản nhỏ, bạn sẽ được người dân đón tiếp như khách quý về chơi nhà bằng những món ăn đậm đà dư vị như thịt lợn chua cuốn lá ổi, cá nướng, vịt lam hoa chuối, rau rừng đồ, xôi nếp gà gáy, lợn mán, chả cuốn lá bưởi… Khi muốn nghỉ qua đêm, bạn chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đồng là có một không gian nghỉ ngơi vừa thoáng mát, vừa thơ mộng. Đó là những phòng nghỉ được làm bằng tre nứa, lá cọ do đồng bào vùng cao Xuân Sơn dựng lên theo kiểu hommestay để phục vụ du khách.

Rừng Quốc gia Xuân Sơn cách Hà Nội 140 km, rộng 15.048 ha. Khu rừng này là điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn nên tuy ở vị trí thấp hơn nhưng vẫn mang những đặc điểm sinh trưởng của thảm thực vật và khí hậu của dãy núi này.

Thế Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.