Multimedia Đọc Báo in

Mùa hoa cà phê khoe sắc giữa đại ngàn

09:05, 29/03/2018

Dạo quanh các vườn cà phê thuộc huyện Cư M’gar sau dịp tết nguyên đán, chúng tôi như lạc giữa rừng “hoa tuyết” bồng bềnh kiêu sa trên nền màu xanh tươi của cây lá.

Nhìn gần bông cà phê lúc bung nở tròn xoe như hình cầu và kết thành từng chùm bám kín từ đầu đến cuối cành trông thật quyến rũ. Anh Nguyễn Văn Huy – một chủ vườn cà phê ở xã Cư Suê cho biết, sau vụ thu hoạch, gia đình anh nhanh chóng bắt tay vào việc dọn gốc, cắt tỉa cành khô, sâu bệnh để tập trung nguồn dinh dưỡng cho cây phân hóa mầm hoa. Khi đất bắt đầu khô, lá cà phê héo rũ, mầm hoa xuất hiện đầy đủ ở các đốt cuối cùng trên cành, anh mới tưới nước để cây bung hoa đồng loạt. Có như vậy, tỷ lệ đậu trái cao, đồng đều, hứa hẹn một mùa vụ tới bội thu.

Hoa cà phê không nở từng bông hay từng cây riêng lẻ mà nở cùng một lúc, khi vườn cây tích đủ nước. Chỉ mới hôm qua, búp hoa vẫn còn tươi xanh, nhưng chỉ qua một đêm, nụ đã chuyển mình tỉnh giấc, bung ra những cánh hoa trắng tinh khôi vẫy chào ngày mới. Hoa nở nhanh nhưng cũng mau tàn. Chưa đến một tuần, sau khi khoe hết vẻ đẹp của mình, hoa sẽ rụng cánh rồi kết thành từng chùm quả nhỏ non xanh bám trĩu cành. Bởi vậy, không phải ai cũng có dịp ngắm trọn vẻ đẹp mộc mạc, tinh khiết của loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp của đại ngàn Tây Nguyên nếu như không “canh” đúng lúc mùa hoa nở. Ngay cả chủ vườn, nhiều khi cũng “giật mình” trước sự “thay áo” mới của cây cà phê.

Hoa cà phê quyến rũ người đi đường.
Hoa cà phê quyến rũ người đi đường.

Không chỉ “hớp hồn” bao người bằng những bông tuyết trắng ngần, hoa cà phê còn tỏa mùi hương dịu nhẹ bay theo làn gió khiến lũ ong bướm dập dìu kéo về vờn phấn, kết mật tạo nên đặc sản mật ong hoa cà phê Đắk Lắk đặc sánh, hiếm nơi nào có được. Anh Tuấn - một người nuôi ong ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) cho hay, một năm hoa cà phê chỉ nở rộ vài đợt vào tháng 2 – 3 và tàn nhanh do đó mật hoa cà phê cũng chỉ thu hoạch được trong thời gian ngắn. Anh thường đến những khu vực gần vườn cà phê hay lô cao su giáp với vườn cà để đặt thùng ong, tạo thuận lợi cho các chú ong chăm chỉ đi hút mật. Không riêng ong nhà mà nhiều đàn ong ở các tỉnh thành khác cũng di chuyển về Đắk Lắk từ cuối tháng chạp để hút mật mùa cà phê. Hết mùa hoa cà, đàn ong lại lên đường đi đến các vùng miền khác tìm hoa hút mật. Tuy nhiên, hiếm có loài hoa nào cho mật vàng, đặc quánh, hương thơm ngào ngạt như hoa cà phê.

   Thu hoạch mật ong tại huyện Cư M’gar.
Thu hoạch mật ong tại huyện Cư M’gar.

Nếu lên cao nguyên Đắk Lắk, nhất là vào tháng Ba, khách phương xa sẽ không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng một vẻ đẹp của đại ngàn – mùa hoa cà phê mà còn được trải nghiệm nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên như lễ cúng bến nước, mừng lúa mới… khiến cho du khách “quên cả lối về”.

Huỳnh Thủy – Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.