Tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân 17 năm ngày mất của ông (1-4)
Dấu ấn Trịnh Công Sơn Trên Tây Nguyên
Nhắc đến Trịnh Công Sơn, người ta nghĩ ngay đến một phong cách âm nhạc độc đáo, mang đậm cá tính sáng tạo và rất mực tài hoa.
Buôn Ma Thuột là nơi Trịnh Công Sơn cất tiếng khóc chào đời vào ngày 28-2-1939. Theo các nhà nghiên cứu như Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân, sau khi gia đình Trịnh Công Sơn rời Huế lên Tây Nguyên mà cụ thể là Buôn Ma Thuột để lập nghiệp vào năm 1937, người mẹ của nhạc sĩ thiên tài đã hạ sinh người con trai đầu lòng vào năm 1938 nhưng không nuôi được, năm sau tác giả của “Ca khúc da vàng” mới chào đời giữa bạt ngàn màu hoa dã quỳ vàng mênh mang trời đất. Tuổi ấu thơ nơi mảnh đất bazan như níu chân người, dù chưa tác động nhiều lắm vào tâm hồn non nớt của Trịnh, nhưng điều ấy đã như một định mệnh an bài để sau này “phả” vào ca từ nhạc phẩm Trịnh Công Sơn những hình ảnh đậm chất Tây Nguyên: hoang sơ, trầm lắng như những vạt rừng mù sương lạnh lẽo và mịt mù đất đỏ như lời thầm thì trả ơn những "hạt mầm trót vay" đầu tiên lúc cất tiếng làm người: "Người còn đó, những lời nói rơi về chân đồi/ Người còn đó, nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài/ Nhuộm đất này, nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay" (Phúc âm buồn). Vào năm 1943, khi mới vừa tròn 4 tuổi, Trịnh Công Sơn đã làm tiếp một cuộc thiên di cùng ba mẹ xuôi về đất Huế, gửi lại Buôn Ma Thuột yêu thương núm ruột đời mình để rồi hơn hai mươi năm sau, Trịnh Công Sơn lại lên Tây Nguyên dạy học - mảnh đất B'lao thuộc tỉnh Lâm Đồng đã cưu mang, che chở thầy giáo Trịnh Công Sơn qua những tháng ngày "lưu đày" yêu ái.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) |
Số là vào năm 1961, Trịnh Công Sơn trốn lính và theo học Trường Sư phạm Quy Nhơn ngành Tâm lý giáo dục trẻ em khóa I (1962 - 1964). Đến năm 1964, sau khi tốt nghiệp, Trịnh Công Sơn được bổ nhiệm giảng dạy tại một trường tiểu học ở B'lao, cách thị xã Bảo Lộc không xa. Có điều, những năm 1960, đây là vùng đất còn hoang vắng, trường học chỉ xập xệ mấy phòng học tre nứa, học trò một lớp được vài chục em, cuộc đời dạy học đơn điệu, buồn tẻ. Hứng thú nhất của Trịnh ở giai đoạn này là được dạy âm nhạc cho các em, còn phần lớn thời gian là Trịnh lang thang và rong ruổi dạo chơi để lắng nghe âm thanh cuộc đời nơi vùng đất mới dội vào tâm khảm chính mình. Năm 1965, Mỹ mang quân vào miền Nam Việt Nam. Phần lớn thanh niên đều bị bắt lính để đi ra trận. Lúc này, Trịnh Công Sơn vẫn tiếp tục dạy học. Có thể xem, mảnh đất B'lao là nơi để lại những dấu ấn khó phai trong cuộc đời viết ca khúc của Trịnh. Nhiều bài hát buồn như tiếng kinh cầu đã được sáng tác tại đây và cho đến nay vẫn được nhiều người thuộc và hát như “Phúc âm buồn”, “Tuổi đá buồn”...
Đặc biệt, vào năm 1965, vẫn những ngày dạy học trên mảnh đất Tây Nguyên B'lao hoang vắng ấy, trong tâm hồn Trịnh đã có những tiền đề cần thiết cho nhiều ca khúc phản chiến (sau này gọi là ca khúc da vàng) ra đời trong sự thôi thúc mãnh liệt. Hoàn cảnh lịch sử đau thương bởi chiến tranh, những mất mát của người thân, bạn bè đã ám ảnh Trịnh Công Sơn, ngay trong mùa hè 1965 - thời gian được nghỉ ngơi không phải dạy học – nhạc sĩ đã soạn nhiều ca khúc phản chiến bất hủ. Đó là tiếng nói đầy nhân bản, cảm thương cho thân phận dân tộc mình. Đó cũng là tiếng nói phản kháng chiến tranh đã cướp đi bao người thân yêu nhất: "Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè/Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương" (“Xin mặt trời ngủ yên”). Hàng loạt ca khúc phản chiến khác ra đời ngay trong năm 1965 như “Gia tài của mẹ”, “Người con gái Việt Nam da vàng”, “Người hát bài quê hương”... sau này thu đĩa đã chinh phục hàng triệu trái tim.
Ngay trong năm 1965, một số ca khúc phản chiến đầu tiên được Trịnh Công Sơn viết với nỗi đau ám ảnh trước những mất mát từ người thân, bạn bè chỉ được lưu hành "nội bộ". Nhiều bạn bè của Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn, Huế, Đơn Dương (Lâm Đồng) âm thầm ca hát để thẩm thấu và sẻ chia nỗi niềm cùng Trịnh. Và như một mối duyên trời định, sau những chuyến đi về thành phố Đà Lạt mộng mơ, Trịnh Công Sơn đã hội ngộ Khánh Ly. Đó là cuộc tương phùng định mệnh. Những bản tình ca buồn, những giai điệu phản chiến mà Trịnh Công Sơn viết, qua chất giọng của cô ca sĩ còn rất quê chưa ai biết đến này bỗng nhiên lột xác, cất cánh trong những phòng trà, những tụ điểm ca nhạc của tầng lớp trí thức, trong đó có Quán Văn Đại học Văn khoa Sài Gòn. Từ đó, Trịnh Công Sơn - Khánh Ly - nhạc phản chiến như ba nốt nhạc hòa âm trong một bản đàn tuyệt diệu. Quả vậy, nếu không có những năm tháng dạy học buồn tẻ, quạnh vắng nơi B'lao xa xôi kia, làm sao Trịnh Công Sơn gặp được nữ ca sĩ Khánh Ly đồng điệu tâm hồn, có chất giọng liêu trai như một làn khói sương mê dụ.
Tháng 4-2018 là vừa tròn 17 năm Trịnh Công Sơn làm cuộc viễn du về với cát bụi. Bao nhiêu cuộc vần xoay, buồn vui vẫn thao thiết đi về giữa chốn trần gian, chỉ tiếc rằng không còn người nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa ngồi thả khúc lãng du cùng bạn bè tri kỷ. Nhớ anh với những dấu ấn khó phai trên mảnh đất Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa, những dòng chữ này như một nén tâm hương tưởng vọng nhớ thương về.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc