Bảo tồn văn hóa truyền thống ở huyện Lắk: Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng
Trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Lắk , vai trò của người dân được đặc biệt coi trọng.
Huyện Lắk có 89 buôn với 16 dân tộc anh em cùng sinh sống; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 64%, trong đó người M’nông chiếm 43% trên tổng dân số của huyện.Trên địa bàn huyện có những già làng tâm huyết, gắn bó với văn hóa truyền thống đã tự mở những lớp dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Tiêu biểu như già Y Ninh Êban (buôn Lê, thị trấn Liên Sơn). Vốn là thành viên của đội chiêng M’nông R’lâm ở buôn nên ông luôn đau đáu và mong muốn tiếng chiêng sẽ mãi ngân vang không chỉ trong các dịp lễ hội mà còn trong tâm thức của những chàng trai, cô gái trẻ. Do đó, cứ vào những ngày cuối tuần, ngôi nhà dài với lớp truyền dạy chiêng của ông lại nhộn nhịp bởi nhiều học sinh, thanh niên trong buôn đến học. Với già Y Ninh, niềm vui chính là khi nhìn những đứa trẻ trong buôn háo hức tham gia những lớp cồng chiêng do huyện và mình truyền dạy.
Với người dân địa phương và du khách, buôn cổ M’liêng (xã Đắk Liêng) là một địa danh du lịch nổi tiếng. Đây là một trong những buôn làng hiếm hoi còn lưu giữ được những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của Tây Nguyên, cũng là điểm tham quan không thể thiếu trong tour du lịch văn hóa-sinh thái của du khách khi đến với Lắk. Dù chịu nhiều thách thức, tác động của đời sống kinh tế, nhưng hầu hết các hộ dân trong buôn vẫn còn lưu giữ được nếp văn hóa truyền thống, từ những nếp nhà dài đến những bộ chiêng cổ, trống da trâu, ghế kpan, ché rượu cần… của dân tộc M’nông. Những ngôi nhà dài lợp tranh được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai hỗ trợ xây dựng theo Dự án Bảo tồn buôn văn hóa truyền thống (năm 2006) đến nay vẫn được giữ gìn, những người già trong buôn vẫn cần mẫn truyền dạy cho thế hệ trẻ biết hát Ay ray, chơi các nhạc cụ dân tộc…
Những ngôi nhà dài vẫn được lưu giữ ở buôn Jun (xã Đắk Liêng). |
Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời phục dựng các nghi thức, nghi lễ, như lễ lên nhà mới tại buôn M’liêng (xã Đắk Liêng), lễ cưới của dân tộc M’nông Gar ở buôn Jê Yuk (xã Đắk Phơi), lễ cúng cơm mới của người dân tộc M’nông ở xã Đắk Phơi, lễ cúng voi tại buôn Jun (thị trấn Liên Sơn). Song song đó, đơn vị đã phối hợp điều tra, sưu tầm gần 60 bộ sử thi, truyện cổ; lưu giữ hơn 400 bộ chiêng. Toàn huyện hiện còn gần 600 nghệ nhân biết diễn tấu chiêng, 50 nghệ nhân chế tác nhạc cụ trên. Các xã, thị trấn đều gìn giữ các bộ chiêng; các nghệ nhân đánh chiêng vẫn thường xuyên diễn tấu cồng chiêng trong các dịp lễ cúng, cưới hỏi, đám tang… theo tục lệ truyền thống. Hơn thế nữa, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao khi ngày càng biết quý trọng, gìn giữ các bộ chiêng, ché…
Những nghệ nhân còn gìn giữ nghề gốm ở xã Yang Tao. |
Theo bà H’ Loan Bđap, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lắk, địa phương còn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống được như hiện nay ngoài sự nỗ lực của các ban, ngành thì yếu tố quyết định là sự nỗ lực, tinh thần bền bỉ của người dân. Chính nhận thức của họ đã giúp công tác bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ qua thời gian và trước những tác động của xã hội. Điều quan trọng hiện nay là phải có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nghệ nhân, địa phương trong công tác bảo tồn cũng như khuyến khích hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy... làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc