Multimedia Đọc Báo in

Giữ lửa cho nghề rèn truyền thống

08:05, 25/04/2018

Giữa cuộc sống hiện đại, nhiều nghề truyền thống đang dần bị lãng quên thì ở xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc) vẫn có những cụ già ngày đêm miệt mài bên bếp lửa để giữ gìn nghề rèn của cha ông.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề rèn truyền thống, ông Túc (buôn Kon Wang) được cha truyền dạy kỹ thuật rèn từ năm 15 tuổi. Đến nay đã 88 tuổi nhưng ông vẫn chưa ngơi nghỉ, bởi đây không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là để giữ gìn nghề truyền thống của gia đình. Hiện ông vẫn giữ lò rèn theo kiểu truyền thống của người Xê Đăng. Bệ lò được đắp bằng đất sét theo kiểu lộ thiên, ống lồ ô dùng để thụt hơi, củi dùng làm chất đốt. Riêng việc thổi lửa được thay thế bằng các bễ tay quay cải tiến giúp việc rèn của người thợ được thuận lợi hơn. Theo đó, một lò rèn cần phải có 3 người, một người phụ trách thụt ống hơi cho than đỏ, một người thợ chính làm các công đoạn chế tác sản phẩm, một người chuyên mài và trui.

Lò rèn truyền thống của người Xê Đăng ở xã Ea Yiêng.
Lò rèn truyền thống của người Xê Đăng ở xã Ea Yiêng.

Theo ông Túc, để làm ra được một sản phẩm như ý đòi hỏi người thợ phải thực hiện tốt các quy trình, công đoạn như nung sắt, tôi sắt và mài. Trong đó, nung là khâu quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của sản phẩm. Để có một sản phẩm sắc bén, không bị sứt mẻ người thợ phải giữ cho lửa vừa phải, đủ độ nóng; khi nung sắt đạt đến độ chín thì dùng búa đập cho đến khi sắt nguội rồi lại cho vào lò nung, cứ như vậy cho đến khi tạo được hình dáng của sản phẩm. Sau khi rèn xong, người thợ sẽ mài vật dụng trên chiếc sừng trâu để tạo độ sắc, sau đó mới dùng dũa để làm nhẵn những đoạn bị sứt, mẻ hoặc chưa đều rồi dùng đá mài cho đến khi đầu lưỡi bong ra một lớp trắng thì mới thôi. “Công đoạn mài không hề đơn giản, phải mài thật nhanh, thật tỉ mỉ và khéo léo thì dụng cụ mới bén như ý muốn”, ông Túc cho biết.

Cũng như ông Túc, ông Kuang (buôn Kon Wang) đã có hơn 70 năm gắn bó với nghề rèn, sản phẩm  làm ra ngoài dùng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của gia đình còn  để bán cho bà con trong vùng. Hầu như ngày nào ông cũng nhận được đơn đặt hàng. Tùy theo độ dày và kích cỡ mà các sản phẩm sẽ giá khác nhau, nhưng thường dao động từ 100.000-300.000 đồng. Theo ông Kuang, thời gian để là xong một chiếc dao, rựa, cuốc… thường mất từ 2-3 ngày nên đòi hỏi người thợ rèn phải có sức khỏe, lòng kiên trì, nhẫn nại, khéo léo trong từng công đoạn, động tác. Với mong muốn nghề truyền thống của gia đình được duy trì và gìn giữ, những lúc rảnh rỗi, ông lại truyền dạy kỹ thuật rèn cho các thành viên trong gia đình. “Nghề rèn đã thấm sâu vào máu thịt, tôi sẽ tiếp tục giữ nghề cho đến khi nào không còn sức nữa mới thôi”, ông Kuang cho hay.

Thợ rèn dùng sừng trâu để mài dao.
Thợ rèn dùng sừng trâu để mài dao.

Dù cuộc sống đang ngày càng phát triển, người dân có cơ hội tiếp cận với các loại công cụ được sản xuất bằng máy móc với đầy đủ các tính năng nhưng đối với người dân nơi đây, các sản phẩm đó vẫn không thể thay thế được chỗ đứng của các sản phẩm thủ công chất lượng, độc đáo do chính các thợ rèn làm ra. Ông Hun, Phó buôn Kon Wang cho biết: “Tôi cũng như các gia đình trong vùng thường đặt mua dao, cuốc do các ông ấy làm ra. Sản phẩm vừa đẹp vừa bền, sau một thời gian sử dụng, nếu dụng cụ bị mẻ, bị cùn thì chỉ cần mang đi mài là lại như mới.”

Ông Túc, ông Kuang là 2 trong số ít những người thợ rèn còn gắn bó với nghề ở xã Ea Yiêng. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” những họ vẫn có chung một niềm đam mê là làm ra những chiếc cuốc, dao, rựa có chất lượng để phục vụ bà con; góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.