Multimedia Đọc Báo in

Hành trình về Đất Tổ

08:23, 21/04/2018

Những ngày tháng 3 âm lịch, chúng tôi thực hiện hành trình về chiêm bái các di tích lịch sử trên vùng Đất Tổ (Phú Thọ), nơi gắn với cội nguồn những di sản của cha ông từ thuở hồng hoang. Những huyền tích, truyền thuyết đậm chất nhân văn và những triết lý nhân sinh gắn của thời đại Hùng Vương được gợi lên từ những văn bia, đền miếu cổ xưa và linh thiêng…

Đền Mẫu – biểu tượng thiêng liêng của tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ

Được xây dựng từ thời Hậu Lê, đền Mẫu Âu Cơ là ngôi đền cổ tọa lạc trên một đồi cao giữa cánh đồng lúa bát ngát của xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ). Từ lâu, ngôi đền thiêng nơi đây là biểu tượng linh thiêng cho tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, nơi phát tích tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 1-2017.

Khi nói về tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, chúng ta phải nói đến nguồn cội, dòng giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam. Mẹ Âu Cơ vốn là con gái của vợ chồng Đế Lai ở động Lăng Xương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ ngày nay). Khi Âu Cơ cất tiếng khóc chào đời thì hương thơm tỏa ngát, trên trời có mây lành che chở, điềm báo “Tiên nữ giáng trần”. Âu Cơ được Lạc Long Quân kén làm vợ và đưa về núi Nghĩa Lĩnh, sau đó sinh ra bọc trăm trứng nở ra một trăm người con trai. Khi các con lớn khôn, Lạc Long Quân đưa 50 người con về miền biển làm nghề chài lưới, Âu Cơ đưa 49 người con lên núi khai phá rừng hoang, để lại người con trưởng làm vua, 18 chi đời đều gọi là Hùng Vương. Mẹ Âu Cơ cùng 49 người con lên miền ngược thấy đất Hiền Lương phong cảnh tươi đẹp, sơn thủy hữu tình đã chọn làm nơi dừng chân khai sơn phá thạch. Từ truyền thuyết ấy, bao đời nay, hình tượng Cha Rồng, Mẹ Tiên đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng thiêng liêng về giống nòi của dân tộc mình.

Lễ tế nữ quan trong lễ hội đền Mẫu Âu Cơ.
Lễ tế nữ quan trong lễ hội đền Mẫu Âu Cơ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ gắn liền với sự tri ân công đức người Mẹ. Đó là Mẹ Âu Cơ, người đã đưa đàn con đi khai thiên phá thạch, mở mang sơn trang, bờ cõi. Mẹ Âu Cơ bước ra từ trong huyền tích vốn là một người Mẹ như bao người mẹ Việt khác, bình dị, đảm đang, chịu thương chịu khó và rất mực yêu thương các con. Mẹ Âu Cơ dừng chân nơi mảnh đất trù phú Hiền Lương đã dạy muôn dân trồng lúa nước, nuôi tằm, dệt vải, đánh bắt cá, hái lượm… Bởi vậy, hình tượng Mẫu Âu Cơ luôn gắn với nền văn minh nông nghiệp, là người Mẹ xứ sở. Ở đền Mẫu Âu Cơ tại xã Hiền Lương, bức tượng Mẹ Âu Cơ luôn tỏa ra một nét đẹp thanh cao, đôn hậu, giản dị mà gần gũi. Người dân Hiền Lương đến nay còn truyền nhau mãi câu ca: “Anh em Bách Việt ta ơi !/Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường/Dân ngày hội tế Mẫu Vương/ Người sinh ra tổ Hùng Vương nước nhà”…

Đền thờ Lạc Long Quân gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên

Năm 2009, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân được xây dựng khang trang tại đồi Sim, xã Chu Hóa, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Nằm trong quần thể khu di tích lịch sử Đền Hùng, dưới chân núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng, giữa một địa thể sơn thủy hữu tình, đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân  tọa lạc trên trên đồi Sim có hình thể giống như một con rùa lớn, hai bên có Thanh Long, Bạch Hổ, phía trước là hồ Hóc Trai và sông Hồng chảy xuôi về biển, ở thế sơn chầu thủy tụ.

Hành trình về nơi cội nguồn dân tộc, nơi Đất Tổ linh thiêng là tìm về những giá trị văn hóa bền vững của dân tộc, nơi gắn liền với truyền thuyết Hùng Vương và những di sản. Mọi người con đất Việt ai cũng có tâm niệm rằng tìm về nơi đây cũng chính là tìm về nguồn cội của mình, nhân lên niềm tự hào về dòng giống Tiên Rồng.

Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân là một công trình di tích văn hóa, tín ngưỡng thể hiện sự tri ân công đức tổ tiên của dân tộc Việt Nam, là nơi để muôn dân đất Việt hướng về cội nguồn của dân tộc. Gian chính giữa ngôi đền thờ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, có pho tượng Đức Quốc tổ Lạc Long Quân đúc bằng đồng nặng 1,5 tấn, cao 1,98 m ở tư thế ngồi trên ngai, đặt trên bệ đá được gia công bằng đá khối có chạm khắc hoa văn theo mô típ văn hóa Đông Sơn. Trên tường có hai bức phù điêu bằng đồng ghi lại hình ảnh Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển.

Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân mỗi năm đón hàng nghìn du khách thập phương về chiêm bái, tri ân và tìm về cội nguồn dân tộc.

Miếu Lãi Lèn – nơi phát tích di sản hát Xoan

Miếu Lãi Lèn tọa lạc trên một vùng đất rộng thuộc thôn Hội, khu 6, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Từ xa xưa, ngôi miếu cổ này được coi là nơi phát tích của làn điệu hát Xoan - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ngôi miếu còn gắn với truyền thuyết Hùng Vương từ thuở dựng nước. Đó là câu chuyện ba anh em Vua Hùng đi tìm đất để dựng thành. Dừng chân nghỉ trưa tại vùng đất Kim Đức, nhìn thấy bọn trẻ đang chơi đùa ở ven đường, Vua Hùng liền bảo tùy tùng ra gọi chúng vào hát cho nghe và dạy thêm cho lũ trẻ những bài hát xướng, cầu chúc năm mới. Từ đó, để ghi ơn công đức của Vua Hùng, nhân dân quanh vùng Kim Đức đã lập miếu thờ. Hằng năm, nhân dân tổ chức cúng lễ, hát Xoan tại miếu để tỏ lòng tri ân Vua Hùng.

Tín ngưỡng  thờ Mẫu Âu Cơ  tạo sức lan tỏa trong thế hệ trẻ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tạo sức lan tỏa trong thế hệ trẻ.

Từ những câu ca giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ học mà Vua Hùng dạy cho bọn trẻ, nhân dân Kim Đức đã lưu truyền và sáng tạo ra những câu ca, làn điệu mang đậm lời ăn tiếng nói và những triết lý nhân sinh của cư dân vùng Đất Tổ. Vì vậy, ngôi miếu cổ Lãi Lèn được xem là nơi phát tích của hát Xoan, là biểu tượng thiêng liêng cho tình cảm, sự gần gũi của Vua Hùng đối với người dân từ thuở dựng nước.

Hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, nhân dân Kim Đức và các phường Xoan trong vùng lại về miếu Lãi Lèn để thực hành các nghi lễ cúng tế và tổ chức hát Xoan. Sau nghi lễ cúng các vị Vua Hùng là nghi lễ hát Xoan với các phần như Hát mời (Mời Vua Hùng về đón xuân cùng nhân dân), Hát nghi lễ (Hát thờ), Hát hội. Trong không khí mùa xuân ấm áp, khói hương lan tỏa, những làn điệu Xoan cổ được cất lên bởi những nghệ nhân Xoan, những nam thanh nữ tú. Những câu Xoan chất chứa ước mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, nhà nhà ấm no, thể hiện lòng biết ơn tiên tổ của muôn dân đất Việt và những triết lý nhân sinh rất giản dị mà thiêng liêng.

Nguyễn Thế Lượng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.